“Về sự tham gia của thanh niên (TN) trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho TN trong các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, năm 2014” là chủ đề của một diễn đàn vừa được các cơ quan Trung ương và các địa phương tổ chức tại Bình Dương. Tại diễn đàn này, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc chăm sóc sức khỏe (CSSK), SKSS cho thanh niên công nhân (TNCN) đã được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Hiệu quả chưa cao
Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh cho TN, nâng cao kỹ năng sống, kiến thức về giới và SKSS cho TN là một nội dung quan trọng nhằm thực hiện chiến lược phát triển TN Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, hiện việc chăm sóc SKSS vị thành niên, TN chưa mang lại hiệu quả cao, công tác tuyên truyền còn mờ nhạt. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc TN phải đối đầu với nhiều nguy cơ liên quan đến các vấn đề chăm sóc SKSS do thiếu hiểu biết. Vì thế, việc tổ chức diễn đàn sẽ cung cấp cho TN, đặc biệt là TNCN nhiều kiến thức bổ ích và cũng là dịp để tiếp thu những ý nguyện, nguyện vọng của TNCN để các ngành có liên quan xây dựng các chương trình CSSK, SKSS phù hợp hơn.
Các đại biểu tham dự diễn đàn thảo luận về các giải pháp CSSK, SKSS cho TNCN. Ảnh: N.NHƯ
Chị Huỳnh Thanh Tuyền, Phó Bí thư Đoàn phường An Thạnh (TX.Thuận An), cho rằng nếu không có sự phối hợp giữa các đơn vị sẽ gây rất nhiều khó khăn trong CSSK, SKSS cho TNCN. Thực tế, có khi đơn vị Đoàn TN đề ra kế hoạch tổ chức khám bệnh cho nữ TNCN, nhưng khi liên hệ với bệnh viện, đơn vị này lại chưa có chủ trương. Còn khi Đoàn muốn tuyên truyền các nội dung CSSK, SKSS cho các chi hội TNCN ở các công ty có khi lại không nhận được sự hợp tác. Trong khi đó, các dịch vụ thân thiện lại quá xa công ty, nhà trọ. Pa-nô, áp phích tuyên truyền về SKSS cũng chưa được sinh động, chưa thu hút được các bạn trẻ. Mặt khác, một số bạn trẻ lại ít chịu khó tiếp cận thông tin. Chính vì vậy, công tác CSSK, SKSS cho TNCN khó đạt hiệu quả cao.
Cần có thêm nhiều chương trình
“Luật TN sửa đổi có một nội dung rất quan trọng, đó là quyền của TN trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS. Trong diễn đàn tại Bình Dương qua tiếp xúc với TNCN, chúng tôi rất vui mừng vì được lắng nghe các ý kiến đóng góp về việc sửa đổi Luật TN, trong đó có vấn đề chăm sóc SKSS. Những ý kiến này sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng luật để có thể tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, chăm lo tốt hơn cho TNCN…”.
(Ông VŨ ĐĂNG MINH, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ)
TN, đặc biệt là TNCN xa quê, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, thời gian dành cho việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin còn hạn chế. Thực tế đời sống của TNCN đã xảy ra nhiều trường hợp “đau lòng” do kém hiểu biết về CSSK, SKSS cũng như quan hệ về giới. Theo các đại biểu tham dự diễn đàn, để bảo đảm công tác CSSK, SKSS cho TNCN, ngoài việc thành lập những trung tâm chăm sóc SKSS, những địa chỉ tư vấn khám, chữa bệnh tin cậy cho TNCN, cũng cần phải có những diễn đàn, các buổi nói chuyện chuyên đề tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, quan hệ tình dục an toàn, cách CSSK cho những TNCN ngại tìm đến các trung tâm, đặc biệt là nữ giới.
Chị Lý Kim Hiền, Chi hội trưởng Chi hội TNCN Công ty Foster, đánh giá diễn đàn đã đề cập sát thực tế cuộc sống của TNCN. Tuy vậy, do tâm lý ngại ngùng, TNCN không dám nói ra. “Hôm nay, được tham gia diễn đàn, tôi được cung cấp nhiều thông tin bổ ích, cần thiết… Công ty tôi hiện có đến 13.000 công nhân, nếu như chương trình được tổ chức tại công ty sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Tôi hy vọng, những chương trình bổ ích như thế này sẽ được tổ chức ở nhiều công ty trên địa bàn…”, chị Hiền bày tỏ.
“…TNCN ở các khu công nghiệp (KCN) có nhu cầu rất lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ SKSS. Hiện nay, họ mới chỉ tìm đến các cơ sở tư nhân để nhờ tư vấn với mong muốn có một dịch vụ thân thiện, cung cấp các thông tin mang tính riêng tư hơn, thông qua hình thức tương tác.
Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình của Bộ Y tế thí điểm chương trình cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS, hướng dẫn các biện pháp tránh thai cho TN chưa lập gia đình, đặc biệt là TN ở các KCN. Sau khi thực nghiệm chương trình thành công, chúng tôi sẽ vận động để có 1 chương trình quốc gia về cung cấp các dịch vụ SKSS và các phương tiện tránh thai cho TN trong các KCN trên toàn quốc…”.
(Bà RITSU NACKEN, Phó đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam)
NGỌC NHƯ