Cùng với các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, giao thông vận tải, đặc biệt là giao thông trong khu vực đô thị với các loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng đang chịu sự tác động to lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đặc biệt trong bối cảnh lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng. Nói cách khác, giao thông thông minh đang là một xu hướng tất yếu và nếu như không bắt kịp xu thế này, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau.
Một trong những vấn đề nan giải đối với các thành phố lớn hiện nay, không chỉ tại Việt Nam mà đối với cả các quốc gia phát triển, đó là tình trạng ùn xe, tắc nghẽn giao thông.
Tại Việt Nam, không tính xe gắn máy, theo con số thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 700 chiếc ô tô mới lăn bánh, tham gia giao thông. Trong khi các phương tiện vận tải cá nhân đang mỗi ngày một gia tăng mạnh mẽ, ở mặt ngược lại, hạ tầng giao thông dù có đầu tư, mở rộng, nâng cấp thế nào cũng khó mà đáp ứng được nhu cầu giao thông thông suốt cho người dân. Tại Bình Dương, hiện nay dù hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư khá đồng bộ, với những con đường mới từ 4 đến 6 làn xe, những con đường được nâng cấp, mở rộng nhưng do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, ở một số khu vực đã thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông vào những giờ cao điểm.
Do đó, để giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, bên cạnh đầu tư hạ tầng giao thông, việc phát triển hệ thống giao thông công cộng là một giải pháp mang tính chiến lược. Theo đó, Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Bình Dương” đã được UBND tỉnh giao cho Sở Giao thông - Vận tải triển khai với các chính sách hỗ trợ đi kèm. Theo lộ trình đến năm 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp chuyển đổi, đầu tư mới khoảng 130 đầu xe mới xe buýt để thay thế, tổng vốn đầu tư gần 245 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp hơn 195 tỷ đồng nhằm vận động chuyển đổi các xe mới, sử dụng công nghệ, nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường để bảo đảm phục vụ cho hành khách đi lại an toàn, thuận tiện, văn minh...
Đáng chú ý, cùng với sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường, đề án sẽ hướng tới khuyến khích việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống giao thông vận tại công cộng thông minh. Điều này sẽ đáp ứng xu thế phát triển tất yếu và đồng thời cũng bảo đảm cho đề án phát huy hiệu quả. Đây cũng là một điểm nhấn để góp phần xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh trong tương lai.
THÀNH SƠN