Tạo thuận lợi hơn cho hàng “Made in Vietnam”

Cập nhật: 16-11-2010 | 00:00:00

Trời nắng gắt, ghé vào tiệm nước, tôi kêu ly nước dừa giải khát. Cô chủ quán nhanh nhảu “săn đón”: “Anh uống dừa... Thái Lan nhé, quán em chỉ có loại này thôi, dừa thường không còn”. Thấy tôi hơi ngạc nhiên, vị chủ quán tiếp lời: “Thực ra đây chỉ là giống Thái Lan, nhưng trồng ở Việt Nam. Giá thì đắt gấp đôi dừa nội, nhưng bù lại, nước rất ngọt và thơm”. Không còn cách thoái lui, tôi đành chấp nhận giải khát với ly nước dừa Thái giá 20.000 đồng.

Không chỉ mới đây mà từ lâu, chuyện hàng Trung Quốc, Thái Lan... lấn át hàng trong nước đã trở nên phổ biến. Trái cây, đồ nhựa, đồ chơi trẻ em, hàng gia dụng, thực phẩm... của Thái Lan, Trung Quốc bày bán khắp các cửa hiệu, đôi khi còn nhiều và phong phú hơn cả hàng nội. Thế nên dù muốn hay không, nhiều người tiêu dùng (NTD) trong nước không còn cách nào khác là phải chấp nhận mua hàng ngoại. Đó là chưa kể, hàng Trung Quốc, Thái Lan... không chỉ nhiều về chủng loại, đa dạng về mẫu mã mà còn rất cạnh tranh về giá thành so với hàng trong nước. Từ xoài, me, ổi Thái Lan cho đến quần áo, hàng điện tử, xe máy Trung Quốc... hầu như đều lấn át hàng nội bởi ưu thế rõ nét về mẫu mã và giá cả. Bên cạnh đó, không thể không kể đến một nguyên nhân quan trọng khác là tâm lý dễ dãi của NTD. Dẫu biết rằng chuộng hàng ngoại là gián tiếp “giết chết” doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng nội nhưng vì những lợi thế của hàng ngoại như đã nêu, nên nhiều NTD chấp nhận lựa chọn cái lợi trước mắt về phía mình.

 Sau hơn 1 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Bộ Chính trị phát động, phải thừa nhận rằng cả NTD lẫn DN sản xuất - kinh doanh hàng trong nước đều có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực; tỷ lệ NTD sử dụng hàng trong nước gia tăng rõ rệt, tâm lý dùng hàng nội cũng chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, một bộ phận DN sản xuất hàng trong nước còn chưa tận dụng được “lợi thế sân nhà”, để cửa ngỏ cho hàng ngoại nhập của các nước láng giềng khai thác thị trường. Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường Việt Nam đang rất tiềm năng, do vậy các DN trong nước cần phải nhận thức được lợi thế của mình để từ đó có động thái tích cực, trách nhiệm hơn đối với NTD. Ưu tiên sử dụng hàng trong nước là một chủ trương đúng đắn, đã từng giúp kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản vực dậy rồi phát triển mạnh và trở thành truyền thống đặc trưng của các quốc gia này. Chính vì vậy, sau thời gian triển khai cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, thực tế cho thấy ngay chính bản thân các DN trong nước không chỉ không nên ỷ lại mà còn phải nỗ lực gấp bội để khẳng định uy tín, thương hiệu, nắm bắt “thời cơ vàng”.

Gần đây, trên thị trường trong nước liên tục có những đợt khuyến mại hàng hóa. Đây là động thái cần thiết để kích cầu, nhưng cũng cần tỉnh táo hơn vì trong các đợt khuyến mại này có không ít sản phẩm ngoại nhập vốn đã “mạnh thế” không cần phải tiếp sức. Cùng với sự nỗ lực gia tăng tính cạnh tranh thông qua chất lượng, mẫu mã, giá thành... của các DN sản xuất hàng trong nước thì các cơ quan hữu quan cũng nên nghiêm túc xử lý hàng nhập lậu - một “kẻ phá hoại ngọt ngào” - nhằm tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa “Made in Vietnam” ăn sâu vào truyền thống tiêu dùng của người Việt.

* V.C

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên