“Té nước theo mưa”!

Cập nhật: 14-05-2010 | 00:00:00

Vừa ăn xong một tô phở “bình dân” gọi tính tiền, bà chủ quán nói 20.000 đồng chú ơi. Tôi thoáng giật mình; sao mắc dữ vậy, vì tô phở chỉ ít cọng phở và vài ba lát thịt mỏng dính nhưng nay giá lại gần gấp đôi. Thấy tôi nhăn mặt có ý dò hỏi, bà chủ nói thêm: Dạo này vật giá cái gì cũng lên và ai cũng bán vậy hết à, với lại nghe nói Nhà nước mới tăng lương nữa. Tôi nói nửa đùa nửa thật: Nhưng những cái tạo thành tô phở này đâu có lên bao nhiêu mà giá lên dữ vậy? Bà chủ cười bẽn lẽn: Thì người ta sao tôi vậy mà!

Hỏi vậy thôi chứ tôi cũng biết chuyện buôn bán ở xứ mình từ xưa giờ vẫn vậy, đã trở thành lệ và có tiêu chí hẳn hòi “không để lỗ, lời càng nhiều càng tốt” nên người dân mới có câu truyền miệng “phi thương bất phú”. Giá cả chỉ có lên chứ không có xuống, ngay cả những mặt hàng Nhà nước còn quản lý nếu lên mười thì chỉ xuống ba thôi. Đem vấn đề này trao đổi với một cán bộ quản lý thị trường, anh ta cũng nói “bó tay” vì chỉ có thể can thiệp yêu cầu niêm yết giá thôi. Thị trường du lịch là nơi thể hiện cảnh kinh doanh “chụp giựt” rõ nét nhất, câu cửa miệng của những người đi chơi về là than thở bị “chặt chém” nhiều hơn là khen hay khen đẹp. Tại các hội nghị về du lịch, thống kê cho thấy lượng du khách “ra đi không trở lại” chiếm phần lớn ở Việt Nam.

Trở lại chuyện “té nước theo mưa”, tôi thấy có nhiều vấn đề cần phải mổ xẻ, vì chuyện giá lên không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định phát triển, nhất là lạm phát. Ở Bình Dương nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp nên số lượng người làm công ăn lương chiếm số đông trong cơ cấu dân số. Một khi chỉ số lạm phát tăng cao thì đồng nghĩa với đồng lương thực tế giảm xuống, ngay cả trong tháng 5 này khi lương tối thiểu tăng thì cũng chưa bù lại được sự mất giá đồng tiền lâu nay đã tác động. Trong mấy tháng gần đây, một số doanh nghiệp trong khối gia công liên tục đình công, tất nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng việc đồng lương thực tế giảm cũng là nguyên nhân lớn, với mức thu nhập hiện nay trước giá cả tăng vọt người lao động thật khó xoay sở để sống từ đó công nhân đòi hỏi tăng lương và một số quyền lợi khác. Việc kiềm chế lạm phát và quản lý thị trường là việc của Nhà nước, nhưng để góp phần bình ổn thị trường, tạo môi trường sống lành mạnh là việc của mỗi người dân trong đó có đội ngũ tiểu thương, hãy vì quyền lợi lớn của quốc gia mà mình cũng được hưởng thụ từ thành tựu phát triển.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên