Thiếu nhiều giáo viên mầm non

Cập nhật: 10-09-2010 | 00:00:00

Năm học 2010-2011, Bình Dương có 51.500 trẻ mầm non (MN) trong độ tuổi đến trường, tuy nhiên, số trường công lập chỉ đủ đáp ứng khoảng 50%. Trường MN tư thục phát triển nhanh nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu, học phí ở nhiều nơi còn khá cao so với điều kiện kinh tế của nhiều người dân. Cầu tăng trong khi cung thiếu, dẫn đến hệ quả tất yếu: Trường lớp và đội ngũ giáo viên (GV) đạt chuẩn thiếu.

Thiếu do nhiều áp lực

Hiện nay, toàn tỉnh có tổng cộng gần 200 trường MN cả công lập, dân lập, tư thục và các nhóm trẻ. Mặc dù các trường dân lập trên địa bàn các huyện, thị đang ngày càng quá tải nhưng bên cạnh đó các trường dân lập, tư thục và nhóm trẻ gia đình cũng giải quyết được phần lớn nhu cầu gửi trẻ ở những địa phương này. Tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là số lượng giáo viên mầm non (GVMN) còn thiếu quá nhiều so với nhu cầu.

 

Mỗi năm, trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường tăng cao dẫn đến thiếu giáo viên

Tại Bình Dương, ngành MN đang thiếu khoảng 700 GV, nhưng mỗi năm Cao đẳng Sư phạm tỉnh chỉ dành 150 - 300 chỉ tiêu đào tạo. Phần lớn thiếu GVMN ngoài công lập. Các trường tư thục, nhóm trẻ mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu gửi trẻ của người dân, nhất là dân nhập cư. Từ đó, nhu cầu về GV tại các trường này ngày càng tăng. Trong khi GVMN có trình độ sư phạm ra ngày càng ít, cung không đáp ứng đủ cầu, nhiều trường đã phải lấy đại người để làm nhiệm vụ giữ trẻ cho trường mình. Thậm chí, nhiều nơi còn huy động cả gia đình cha mẹ, anh chị em tham gia giữ trẻ. Do không được đào tạo bài bản, thêm vào đó áp lực từ việc trông trẻ là rất lớn. Kết quả, nhiều cô giáo đã bỏ trường ra ngoài xin làm công nhân. Còn trẻ ở những trường này phải học tập trong một môi trường không tốt, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng ngược đãi, bạo hành...

Chúng tôi ghi nhận được những lời tâm sự của một số GVMN trên địa bàn mới thấy hết được nỗi vất vả của các GVMN hiện nay. Cô Oanh, một GV trường MN Võ Thị Sáu, huyện Dĩ An tâm sự: Một ngày làm việc của các cô thường bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 phút sáng. Riêng giờ ra về của GV thì phụ thuộc vào phụ huynh. Theo quy định 17 giờ là hạn chót GV trả cháu, nhưng trên thực tế có phụ huynh bận bịu, kẹt xe đến 18 giờ mới tới. Đương nhiên các cô phải ở lại chờ. Thậm chí một số trường còn yêu cầu GV phải tắm cho học sinh trước khi cho các bé ngủ trưa, thứ bảy phải đến trường làm đồ dùng dạy học, chủ nhật phải đi học nâng chuẩn... Cô Nguyễn Thị Thu Hoài, GV trường MN tư thục Tuổi Thơ, huyện Thuận An thì cho biết: “Công việc của chúng tôi rất vất vả. Mỗi ngày làm việc bắt đầu từ 6 giờ sáng. Theo quy định là 5 giờ chiều nghỉ, nhưng hầu hết GV chúng tôi ở đây có khi 7 giờ tối mới được về vì cha mẹ các cháu tăng ca, ngoài ra còn nhiều công việc khác nữa. Năm nay, số lượng trẻ nhập học tăng hơn năm ngoái nên một lớp 2 cô phải quản lý từ 40 - 45 cháu là chuyện bình thường. Công việc vất vả, thu nhập thấp nên nhiều cô đã không làm nổi phải xin ra làm công nhân”.

Theo ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Bình Dương thì: “GVMN vất vả mà lương thấp là một chuyện. Nhưng nỗi khổ lớn nhất của không ít GVMN hiện nay là không được đóng BHXH, BHYT... Nếu như GV ở các trường công lập được Nhà nước trả lương, đóng BHXH và BHYT đầy đủ và GV ở các trường bán trú còn có những chính sách đãi ngộ khác thì các cô giáo ở các trường công lập lại không được những quyền lợi đó. Như vậy nghĩa là họ sẽ phải đối mặt với một tương lai bấp bênh: nghỉ dạy đồng nghĩa với việc không còn thu nhập”.

Những giải pháp

Nói về vấn đề thiếu GVMN như hiện nay, bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng MN, Sở GD-ĐT tỉnh cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu GV. Song theo tôi, tựu trung lại là do mức sống của người dân còn quá thấp. Trong khi đó, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ tăng dân cơ học cao. Số trẻ em là con của các công nhân, người lao động nhập cư tăng lên quá nhanh trong những năm gần đây. Chỉ riêng năm học này, số trẻ đã tăng hơn 4.000 cháu so với năm học trước. Nhu cầu gửi trẻ rất cao vì phụ huynh phải đi làm. Một nguyên nhân khác là do đời sống của GV còn thấp. Lương GV ở các trường ngoài công lập chỉ phổ biến ở khoảng 800.000 - 1,5 triệu đồng/tháng. Vì mức sống quá thấp nên nhiều GV MN bỏ nghề dẫn đến tình trạng thiếu GVMN ngày càng tăng như hiện nay.

Việc quá tải học sinh MN đã dẫn đến tình trạng thiếu GV ở bậc học này ngày càng trầm trọng. Trên thực tế, ở các trường MN tư thục, dân lập lớn vẫn còn trống chỗ nhưng vì phụ huynh không có điều kiện gửi con vào các trường này do học phí quá cao. Vì vậy, nếu cuộc sống của người dân ngày càng ổn định hơn và các bậc phụ huynh này quan tâm chú trọng đến việc học của con em mình thì hệ thống trường MN tư thục sẽ phát triển vì chủ trương xã hội hóa GDMN hiện nay rất cao.

Bà Phạm Thị Huệ Trang cũng cho biết thêm: Sở GD-ĐT đang đề xuất với UBND tỉnh về việc tăng lương giờ phụ trội làm thêm giờ và tăng phụ cấp nghề cho GVMN. Đây là cách khả quan nhất, so với tăng lương hay học phí, nhằm cải thiện đời sống cho GVMN giảm bớt tình trạng GV bỏ việc. Ngoài ra, sở cũng tham mưu để tăng cường hỗ trợ cho các trường MN tư thục trong tỉnh về quỹ đất, về tạo nguồn... Chúng tôi cũng kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh, xã hội để giảm tải áp lực và cải thiện đời sống kinh tế cho GV nhằm thu hút được nhiều người lao động cho ngành. Như vậy, về lâu dài sẽ chấm dứt được tình trạng thiếu GVMN như hiện nay.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X