ThS. LÊ VĂN HỢP, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ TN-MT: Kêu gọi đầu tư dự án về BVMT để kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 02-12-2010 | 00:00:00

Tại hội thảo truyền thông BVMT LVHTSĐN được tổ chức vào ngày 30-11, phóng viên Báo Bình Dương đã tranh thủ trao đổi với Ths. Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ TN-MT xung quanh về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay...

- BĐKH đang là tác nhân ảnh hưởng rất lớn đến môi trường như thiên tai, bão lũ... Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Hiện tượng thiên tai, bão lũ xảy ra trong thời gian qua ở các khu vực trên thế giới, đặc biệt Việt Nam là một trong những hiện tượng của BĐKH, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp; đồng thời tham gia Công ước Liên hiệp quốc về BĐKH, tham gia các hội nghị quốc tế cùng thảo luận, bàn thảo để đưa ra những giải pháp thống nhất, kịp thời ứng phó với BĐKH. Bộ TN-MT cũng đã thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ xây dựng kịch bản và phối hợp với các nước Đan Mạch, Hà Lan, một số tổ chức quốc tế khác tổ chức các hội thảo BĐKH và nước biển dâng, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long và những vùng trong khu vực khác; làm sao trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án trong nước, nước ngoài và các tổ chức chính phủ về BVMT để kịp thời ứng phó với BĐKH một cách tốt nhất.

- Việc khai thác cát có ảnh hưởng môi trường dòng sông không?

- Việc khai thác cát chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy, môi trường của dòng sông. Vì khai thác cát không quy hoạch sẽ dẫn đến sạt lở bờ sông và đảo nguồn, có nghĩa là dòng sông chảy không theo quy luật nào, có thể bị phá vỡ làm lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh cũng như vận tải thủy trên lưu vực sông.

Từng bước khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng này, ngay từ bây giờ, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ những cơ sở sản xuất - kinh doanh cát sỏi và tốt nhất là phải quy hoạch khu vực nào nên khai thác, khu vực nào không cho phép khai thác. Thực hiện tốt điều đó, tức là chúng ta góp phần vào việc BVMT, ứng phó với BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta.

- Thời gian qua, các cơ quan truyền thông đã đề cập rất nhiều đến việc tác hại từ chất thải khi sử dụng túi nylon. Xin ông cho thêm những lời khuyến cáo?

  Ths Lê Văn Hợp trao đổi với các nhà báo về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu bên lề hội thảo

- Đúng là thời gian qua, các cơ quan thông tin đại chúng cảnh báo rất nhiều về việc sử dụng túi nylon, nhưng trên thực tế người dân cũng sử dụng khá phổ biến.

Túi nylon tồn lưu rất lâu trong môi trường. Sau khi sử dụng xong thải ra môi trường không tiêu hủy được. Nó làm cho việc phục hồi, tái tạo chất lượng đất chậm. Bộ TN-MT và cơ quan truyền thông tích cực tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng túi nylon. Hiện nay, rất nhiều tổ chức chính trị xã hội, nhiều công ty đã bắt tay vào cuộc, giúp người dân thay đổi cách sử dụng bằng cách thay túi nylon bằng túi giấy, túi xách sử dụng nhiều lần để khi không còn sử dụng được nữa thải ra môi trường có thể tiêu hủy được.

MAI HUY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên