Thu gom chất độc CS tại Bình Dương: Khẩn trương xử lý bảo đảm an toàn cho môi trường

Cập nhật: 16-04-2011 | 00:00:00

Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, trên địa bàn Bình Dương còn tồn lưu hàng chục tấn chất độc hóa học CS (loại chất độc gây cay mắt, bỏng rát, khó thở) của quân đội Mỹ được chứa trong các hầm, chôn sâu trong lòng đất, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đặc biệt, khu vực gần sân bay Phú Lợi cũ (giáp ranh phường Phú Tân và Phú Lợi, TX.TDM) được phát hiện với hàng chục tấn hỗn hợp chất độc CS và những trái lựu đạn vẫn còn khả năng gây nổ.

 

Một quả bom chất độc CS được phát hiện và xử lý

Người lính già và nỗi lo đau đáu

Ông Trần Hùng, nguyên cán bộ kỹ thuật của Cục Kỹ thuật, Quân khu 7 hiện đã nghỉ hưu tại thành phố Vũng Tàu là một người biết rõ nguồn gốc, vị trí của hàng chục hầm chứa chất độc này được chôn giấu gần khu vực gần sân bay Phú Lợi cũ. Theo nội dung thư của ông Hùng gửi cho cơ quan lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông tha thiết đề nghị các cơ quan hữu quan tìm kiếm, thu gom, xử lý bảo đảm an toàn cho môi trường và đời sống người dân. Theo ông Hùng, năm 1975, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương của ta đánh chiếm và giải phóng khu vực Thủ Dầu Một lúc bấy giờ để mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Khi bộ đội của ta tiến về, quân địch ở khu vực sân bay Phú Lợi cũ (hiện nay nằm trong khu vực Sư đoàn 7, Quân đoàn 4) đã gấp rút cất giấu vũ khí, khí tài trong đó có rất nhiều bom, lựu đạn chất độc CS để tháo chạy. Khi bộ đội của ta tiếp quản khu vực này trên đường băng của sân bay Phú Lợi, địch vẫn còn để lại rất nhiều bom, lựu đạn chứa chất độc CS.

Cùng lúc đó, bộ đội của ta cũng đã thu gom những loại bom, lựu đạn tương tự ở một số nơi khác như ở căn cứ Đồng Dù (Củ Chi, TP.HCM) về khu vực này chôn lấp và xử lý ban đầu. Theo ông Trần Hùng, thời gian đó đã đổ khoảng 20 xe tải lớn chất độc CS vào 10 hầm chứa được đào sâu cách mặt đất từ 8 - 10m. Sau khi tiếp nhận các thông tin do ông Trần Hùng cung cấp, các cơ quan hữu quan của Bình Dương đã nhận định, đây là số chất độc tồn lưu trong chiến tranh với số lượng chất độc khá lớn. Do vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự Bình Dương đã phải phối hợp với Quân khu 7 và Viện Hóa học - Môi trường quân sự (Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học) mới có thể tìm kiếm, thu gom và xử lý bảo đảm an toàn cho môi trường và người dân.

Một vùng đất bị nhiễm độc?

Ngày 14-4, sau hàng loạt các cuộc tìm kiếm, khảo sát của các đơn vị bộ đội phòng hóa đã xác định vị trí của một hầm chứa chất độc ước lượng khoảng 15 tấn hỗn hợp gồm các chất độc và bom, lựu đạn chứa chất CS. Có mặt tại khu vực này, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ bởi nơi được xác định là hầm chứa chất độc nằm sát ngay một công ty đang được xây dựng trong Khu công nghiệp Đại Đăng. Hầm chất độc đã bị đào bới trong quá trình san lấp xây dựng khu công nghiệp và Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương. Tuy nhiên, trong quá trình san lấp và đào bới, chất độc đã phát tán trong không khí gây cay mắt, mũi và bỏng rát đã làm cho các công nhân thi công phải bỏ cuộc. Trong đó, một số người tìm kiếm và mua bán ve chai cũng đã đến khu vực này và cũng phải rút lui bởi chạm phải chất độc hơi cay trong khi đào bới.

Các chuyên gia cho biết, trong chiến tranh, Mỹ đã sản xuất loại lựu đạn và bom chất độc CS E158-R2, trang bị cho quân đội sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Bom chất độc CS E158-R2 được cấu tạo bằng vỏ nhựa có 8 ngăn, mỗi ngăn chứa 33 thỏi CS, bộ phận gây cháy và điểm hỏa tự động. Khi bom được ném ra, dây truyền lửa sẽ gây cháy thuốc phóng, lưới thuốc cháy và bung các thỏi CS đang cháy tạo thành đám mây hơi độc làm mất sức chiến đấu của đối phương. Nếu bị nhiễm độc, cơ thể sẽ bị bỏng rát, đau nhức dữ dội vùng niêm mạc mắt, cổ họng và lồng ngực làm tinh thần hoảng loạn, nếu nặng có thể gây ngừng thở dẫn đến tử vong. Trong quá trình thu gom tìm kiếm tại khu vực nêu trên, lực lượng bộ đội hóa học đã tìm thấy những quả bom giống như chiếc can nhựa 20 lít và rất nhiều lựu đạn, dàn phóng... Có mặt tại hiện trường, mặc dù đã được trang bị mặt nạ phòng độc nhưng nhiều chỗ trên cơ thể chúng tôi vẫn bị bỏng rát, khi tháo mặt nạ ra vẫn cảm nhận được hơi cay gây hắt hơn liên tục.

Vấn đề đặt ra ở chỗ, trong thời gian hơn 35 năm, số chất độc nêu trên có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người hay không? Theo các chuyên gia quân sự, các chất độc này thường không tan trong nước mà chỉ cháy và phát tán trong không khí do vậy việc ảnh hưởng đến môi trường đất và không khí là điều tất nhiên. Còn có ảnh hưởng đến môi trường nước hay không, đặc biệt là các nguồn nước ngầm ở khu vực này thì phải có sự quan trắc, đánh giá cụ thể mới biết được mức độ ảnh hưởng và có biện pháp xử lý.

ĐỖ TRƯỜNG

Hiện nay, Viện Hóa học - Môi trường quân sự (Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học) đã nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ xử lý hiệu quả chất độc CS. Theo đó, chất độc CS sẽ được thủy phân triệt để bằng kiềm. Sau đó, cô lập sản phẩm thủy phân bằng một khoáng chất bentonit đã được hoạt hóa. Khoáng chất bentonit có khả năng hấp phụ cao với hóa chất độc, hấp phụ được tới 99%, đồng thời có tính trương nở lớn, khả năng trương nở từ 6 đến 8 lần. Khoáng chất phi kim loại này được khai thác sẵn có trong nước. Khi trương nở, bentonit làm bịt kín thành hố cô lập, do đó các sản phẩm phản ứng không bị thẩm thấu ra môi trường. Phương pháp này áp dụng có thể xử lý với số lượng lớn từ hàng tấn chất độc CS trở lên.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên