Thuận An: Giữ vững tốc độ tăng trưởng để xây dựng thành công đô thị cửa ngõ

Cập nhật: 23-09-2010 | 00:00:00

Với mục tiêu phát triển Thuận An thành đô thị loại III đến năm 2015, nhiều chương trình, định hướng và kế hoạch đã được Đảng bộ huyện thông qua. Để xứng đáng là đô thị cửa ngõ của tỉnh, trước mắt Thuận An xác định phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó mới có điều kiện để hướng đến phát triển các khu đô thị tương lai.

Giữ vững tốc độ tăng trưởng

Mục tiêu của Thuận An từ nay đến năm 2015 là giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân từ 15 - 16%/năm, chủ yếu tập trung phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến gắn với đổi mới công nghệ để ngành công nghiệp phát triển theo chiều sâu, khuyến khích đầu tư giá trị gia tăng trong các khu, cụm công nghiệp hiện hữu, không đầu tư ngoài khu công nghiệp (KCN). Khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống theo hướng đổi mới công nghệ, kỹ thuật nhằm đem lại hiệu quả sản xuất. Tiếp tục di dời các ngành sản xuất ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, đô thị theo quy hoạch của tỉnh. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài KCN và khu dân cư đô thị, nhất là hệ thống cấp thoát và xử lý nước, các tuyến giao thông nối liền khu, cụm công nghiệp với khu dân cư, KCN - dân cư với vùng du lịch sinh thái.Về thương mại - dịch vụ, giá trị sản xuất tăng bình quân từ 22 - 23%/năm. Do đó, Thuận An cần phải tập trung đẩy mạnh việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, bằng nhiều chính sách huy động các nguồn lực, kêu gọi và hỗ trợ tích cực các dự án đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại - dịch vụ gắn với đô thị, KCN và vùng dân cư tập trung theo quy hoạch. Bên cạnh đó, Thuận An sẽ tập trung phát triển mở rộng các ngành dịch vụ như cung ứng điện, bưu chính - viễn thông, giao thông - vận tải, cấp nước, ngân hàng, tín dụng, nhà ở cho công nhân và các dịch vụ công cộng. Cùng với đó là phát triển hệ thống thương mại đa dạng về loại hình và phương thức kinh doanh, đặc biệt khuyến khích phát triển mạnh dịch vụ nhà ở đủ tiêu chuẩn, vui chơi giải trí, suất ăn công nghiệp và dịch vụ trang trí, hoa kiểng cho các công trình xây dựng, khu cụm công nghiệp, công viên, tụ điểm công cộng.

Một góc đô thị Lái Thiêu hiện hữu (Ảnh Quốc Chiến)

Trên lĩnh vực nông nghiệp, Thuận An xác định giá trị sản xuất của ngành này sẽ tăng bình quân từ 2 - 2,5%. Do vậy, giải pháp đặt ra là cần tăng cường công tác đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng ngành nông nghiệp và tiếp tục thực hiện dự án nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái Lái Thiêu, gắn ổn định diện tích và xây dựng thương hiệu vườn cây ăn trái ở các xã ven sông Sài Gòn, phát triển mạnh các dịch vụ nông nghiệp, nhất là hoa kiểng, cây cảnh; sản xuất rau sạch ở những địa phương có điều kiện. Bên cạnh đó là khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung có tính chất công nghiệp gắn với việc bảo đảm vệ sinh môi trường, nuôi trồng thủy sản, cá kiểng có giá trị kinh tế cao; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể...

Phát triển các khu đô thị tương lai

Theo định hướng phát triển các khu đô thị của huyện Thuận An đến năm 2015 thì đô thị Lái Thiêu sẽ là trung tâm chính trị, hành chính và dịch vụ. Nơi đây sẽ phục vụ đời sống của người dân vùng Lái Thiêu và khu vực xung quanh cùng với các dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, Thuận An sẽ chú ý xây dựng các đô thị mới ven quốc lộ 13 với cơ sở hạ tầng hiện đại, khu đô thị đường ven sông mới và các trục đường thương mại Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn Trãi... Còn khu đô thị An Thạnh sẽ là trung tâm dịch vụ khu vực phía Bắc của huyện, trung tâm dịch vụ đào tạo, mở rộng khu phố chợ hiện hữu, phát triển trung tâm thương mại phục vụ cụm công nghiệp Thạnh Bình. Khu đô thị Vĩnh Phú là cửa ngõ của Bình Dương nối TP.HCM nên sẽ được xây dựng hiện đại, làm điểm tiếp thị cho thành phố mới Bình Dương. Nơi đây sẽ được xây dựng các khu nhà ở chất lượng cao, các dịch vụ cao cấp, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch... gắn cảnh quan sông nước. Đối với các đô thị phía Đông quốc lộ 13 bao gồm Bình Hòa, Thuận Giao, An Phú, Bình Chuẩn thì lấp đầy và phát triển theo chiều sâu các khu, cụm công nghiệp hiện hữu.

Bên cạnh đó, Thuận An sẽ tăng nhanh các ngành dịch vụ phục vụ công nhân và người lao động; tập trung đầu tư nhà ở cho công nhân; phát triển các trung tâm thương mại cạnh cửa ngõ vào khu, cụm công nghiệp thay thế dần các chợ tạm dọc theo các trục đường; cải tạo, nâng cấp các đường  giao thông nông thôn ở các khu phố, ấp thành các đường phố đô thị. Ở các xã khu vực ven sông Sài Gòn gồm Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn sẽ được đầu tư các khu nhà ở chất lượng cao như nhà vườn, nhà ở sinh thái gắn với hệ thống sông rạch và khu du lịch sinh thái Cầu Ngang. Nơi đây cũng quy hoạch phát triển các dịch vụ đường sông như kho cảng, bến thuyền hàng hóa, du lịch cùng các trung tâm dịch vụ sông nước, cụm nhà vườn, cụm du lịch sinh thái. Các tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ được xây dựng, bờ sông rạch từng bước được xây kè bảo vệ...

Để đạt được mục tiêu trên, Thuận An sẽ phải hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đề án nâng cấp đô thị huyện Thuận An thành đô thị loại III đến năm 2015, quy hoạch chi tiết 1/2000 cho các xã, thị trấn; tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch được duyệt; rà soát điều chỉnh bổ sung các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất. Song song đó là tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, điều hành, triển khai kế hoạch hợp lý để đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình giao thông đô thị, nông thôn, hạ tầng du lịch, y tế, giáo dục và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân.

KỲ TÂN

Theo ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND huyện Thuận An, với vị thế là vùng công nghiệp phát triển, nơi tiếp giáp TP.HCM, Thuận An có nhiều tiền đề cơ bản để trở thành một đô thị mới trong tương lai. Trong thời gian tới, Thuận An sẽ tiếp tục phát huy lợi thế để đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị phù hợp với không gian phát triển chung của vùng. Để đạt mục tiêu này, Thuận An sẽ cố gắng giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế, trong đó có sự gia tăng đáng kể tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế gắn từng bước phát triển với giải quyết các vấn đề xã hội, văn hóa đô thị, bảo vệ và cải thiện môi trường.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên