Thực hiện kế hoạch liên tịch hỗ trợ phụ nữ nông thôn: Nhiều hộ thoát nghèo nhờ được hướng dẫn cách làm ăn

Cập nhật: 22-09-2010 | 00:00:00

Thực hiện kế hoạch liên tịch giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về “Hỗ trợ phụ nữ nông thôn (PNNT) phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống”, trong 10 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khuyến nông - khuyến lâm, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn...

Trong quá trình thực hiện, Hội LHPN đặc biệt quan tâm đến đối tượng nữ là chủ hộ nghèo và cận nghèo, giúp họ có điều kiện được tiếp cận với khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vốn để họ áp dụng trong sản xuất, khắc phục khó khăn trong điều kiện sản xuất hiện tại, từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Bằng nhiều hình thức phong phú, hội đã phối hợp với Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Kinh tế Kỹ thuật - Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn... tổ chức gần 2.300 buổi hội thảo chuyên đề, tập huấn, tham quan mô hình sản xuất hiệu quả, như trồng và chăm sóc cao su, tiêu, điều, nhãn, xoài, mít cao sản; kỹ thuật trồng nấm, rau sạch an toàn, trồng hoa lan, cây cảnh; kỹ thuật trồng dưa leo và khổ qua phủ bạt; chăn nuôi heo hướng nạc, nuôi bò sinh sản, lươn, ếch, cá kiểng; hướng dẫn phương pháp sử dụng nông dược, phân vi sinh, phương pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... thu hút gần 138.000 lượt người tham dự. Riêng Hội LHPN đã chủ động tổ chức 1.755 cuộc cho hơn 100.000 lượt cán bộ, hội viên tham dự. Bên cạnh đó, hội cũng đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức 18 lớp tập huấn về kinh tế tập thể ở 7 huyện, thị trong tỉnh, thu hút gần 1.300 lượt chị em tham dự. Qua đó, chị em đã được trang bị thêm nhiều kiến thức về sản xuất nông nghiệp, kỹ năng phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đa số chị em biết ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

 

Nhờ có nhiều việc làm mới, PNNT có thêm điều kiện để cải thiện nâng cao cuộc sống

Trong quá trình sản xuất, nhiều chị còn sáng tạo, thay đổi cách làm hiệu quả, mạnh dạn đưa các giống mới vào sản xuất. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng được áp dụng theo tiêu chuẩn “4 đúng” nhằm bảo đảm năng suất và chất lượng cho hàng nông sản. Đối với vật nuôi, chị em đã biết cách vận dụng từ việc chọn giống, thức ăn, chăm sóc đến việc phòng trị bệnh nên năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ngoài ra, các công ty phân bón còn thường xuyên mở các lớp hội thảo về các loại phân bón cho cây trồng và hỗ trợ phụ nữ nông thôn bằng hình thức bán phân bón trả chậm, mỗi năm từ 7.000 - 10.000 tấn phân bón các loại. Qua đó, tạo điều kiện cho chị em thiếu vốn sản xuất có khả năng phát triển vươn lên thoát nghèo.

Nhằm giúp PNNT nâng cao chất lượng cuộc sống, hội đã vận động phụ nữ nông nghiệp tương trợ nhau trong sản xuất - kinh doanh. Nhiều hộ gia đình sản xuất - kinh doanh giỏi đã nhiệt tình giúp đỡ các hộ nghèo về kinh nghiệm sản xuất, cách làm ăn. Song song đó, hội còn tín chấp cho chị em phụ nữ khó khăn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để họ có điều kiện làm ăn, mở rộng sản xuất chăn nuôi, dần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, các tổ nhóm xoay vòng vốn giúp nhau không tính lãi cũng đã phát huy tính hiệu quả trong quá trình hoạt động... Từ những nguồn vốn cho vay do hội trực tiếp quản lý và tín chấp cho phụ nữ vay, tính đến cuối năm 2009, dư nợ lên đến hơn 273 tỷ đồng, trong đó có rất nhiều PNNT được hỗ trợ vốn để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt đã biết sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả.

Qua 10 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và các ngành chức năng về hỗ trợ PNNT phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước; chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt theo kế hoạch đề ra; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ; công tác thông báo và dự báo tình hình sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ được duy trì thường xuyên; công tác phòng chống dịch, tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả triệt để, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đánh giá về hiệu quả của chương trình phối hợp trên, bà Trần Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, sự phối hợp thường xuyên giữa Hội LHPN các cấp với các ngành chức năng trong công tác khuyến nông, khuyến lâm, PNNT đã được trang bị kiến thức về sản xuất chăn nuôi, biết áp dụng những công nghệ tiên tiến, cây con giống đạt chất lượng vào trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng cao, nông sản có cơ hội cạnh tranh với thị trường khu vực và thế giới. Nông sản có đầu ra tương đối ổn định, đời sống chị em vùng nông thôn ngày càng được cải thiện về mọi mặt. Từ đó, chị em yên tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia vào hoạt động hội và phong trào phụ nữ. Qua triển khai thực hiện chương trình phối hợp trên, đã xuất hiện ngày càng  nhiều gương phụ nữ điển hình tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, kinh tế trang trại giỏi ở địa phương...”.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong thời gian qua, sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ, đặc biệt là PNNT. Có thể nói, họ đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội tại địa phương.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên