Phiên bế mạc kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa VIII được tổ chức vào sáng qua (17-7) đã dành phần lớn thời gian để lãnh đạo UBND tỉnh giải trình và làm rõ thêm một số nội dung cử tri và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, kiến nghị có liên quan đến hoạt động điều hành của UBND tỉnh cũng như trình bày về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015.
Phát triển công nghiệp công nghệ cao
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh mở đầu phần giải trình về ý kiến cho rằng hiện nay thu hút đầu tư của tỉnh chủ yếu tập trung hiệu quả ở các ngành cần nhiều lao động như giày da, gỗ, sản xuất kim loại…, còn thu hút đầu tư ở các ngành có hàm lượng chất xám cao thì chưa nhiều. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Bình Dương đạt được mức tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị như hôm nay là thành quả từ sự nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo tiền nhiệm trước đây với những chủ trương, chính sách đúng đắn trong lãnh đạo, điều hành, đặc biệt là chính sách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư của tỉnh. Từ đó, nhiều nhà đầu tư đã hưởng ứng, đầu tư vào Bình Dương với đa dạng các ngành nghề, trong đó ngành da giày, dệt may, chế biến gỗ… là những ngành được đầu tư mạnh trong thời gian đầu với thuận lợi từ nguồn lao động dồi dào tại địa phương và các tỉnh, thành trong cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường, sự thiếu hụt về nhà ở, cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho bản thân và con em của công nhân lao động. Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp để định hướng trong việc thu hút đầu tư nhằm bảo đảm phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bền vững. UBND tỉnh đã chủ trương hạn chế thu hút đầu tư bên ngoài khu, cụm công nghiệp; tập trung thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại; hạn chế thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động, tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Điều này đã được minh chứng khá rõ trong kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh thời gian qua. “Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, đến trước năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng. Do đó, để phát triển một cách bền vững, tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi công năng một số khu công nghiệp ở phía nam của tỉnh sang phát triển đô thị, dịch vụ, chú trọng phát triển công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, đô thị và bảo vệ môi trường”, ông Trần Văn Nam cho biết.
Các đại biểu tham gia chất vấn các ngành chức năng tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa VIII. Ảnh: Q.CHIẾN
Nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông
Ông TRẦN VĂN NAM, Chủ tịch UBND tỉnh: Tìm mọi giải pháp để nâng cao mức tăng trưởng kinh tế “UBND tỉnh khẳng định, trong thời gian qua cũng như sắp tới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương luôn tập trung quyết liệt tìm mọi giải pháp để nhằm mục tiêu ngày càng nâng cao tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc phát triển kinh tế luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh”. |
Liên quan đến nội dung các đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các nút giao thông chính trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Nam khẳng định, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo ngành giao thông vận tải (GTVT) và UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Trần Văn Nam cũng nhìn nhận bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác duy tu, sửa chữa công trình hạ tầng giao thông còn gặp một số khó khăn như tiến độ thi công một số công trình giao thông còn chậm, còn xảy ra ùn tắc giao thông tại các nút giao mũi tàu Phú Long, ngã tư Hòa Lân, ngã sáu An Phú, cầu vượt Sóng Thần...
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bên cạnh việc chỉ đạo ngành GTVT phối hợp với các ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phân luồng giao thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và đơn vị liên quan tiến hành khảo sát lập dự án để triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm như mở rộng đường ĐT743; ưu tiên thực hiện trước nút giao thông Sóng Thần và xem xét xây dựng cầu vượt bằng thép tại nút giao thông ngã sáu An Phú. Tiếp đó, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng đại lộ Bình Dương giai đoạn 1; mở rộng tuyến giao thông cầu Thủ Biên - Đất Cuốc; thi công giai đoạn 2 đường Mỹ Phước - Bàu Bàng, đồng thời sớm khánh thành đưa vào sử dụng đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Như vậy cơ bản sẽ giảm được ùn tắc tại các nút giao thông chính, góp phần thông thoáng hơn cho lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân...
Cuối năm 2015 sẽ có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các tiêu chí NTM đạt được ở các xã tăng khá cao. Ngoài 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 38 xã còn lại đều đạt từ 9 - 18 tiêu chí.
Ông Trần Văn Nam cho biết, tỉnh đã thành lập các tổ kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện xây dựng NTM tại các xã để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Qua rà soát, đánh giá, đa số các xã đều đạt từ 13 - 17 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, trường học, chợ. Đối với các tiêu chí chưa đạt, các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện theo kế hoạch. UBND tỉnh đang cân đối, tiếp tục bố trí vốn cho các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng để thực hiện một số công trình nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí NTM trong lĩnh vực ngành mình phụ trách, nhất là việc đánh giá các tiêu chí đạt được. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có 35/48 xã và huyện Dầu Tiếng, TX.Tân Uyên hoàn thành xây dựng NTM; tới năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn NTM.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã dành thời gian giải trình, báo cáo một số vấn đề được các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm như: Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giải pháp giữ vững và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; vấn đề tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; dịch bệnh Mers, chính sách đào tạo đội ngũ y tế để ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tốt hơn; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng khám chữa bệnh của các phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Trong 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực, kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, để thực hiện hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2015 và mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2011-2015 đã đề ra, UBND tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Tăng cường quản lý ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách theo dự toán đề ra; tập trung xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục thực hiện sắp xếp đổi mới và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình đề ra; tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm đạt được mục tiêu theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ; tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác tiếp thị, mở rộng thị trường, đa dạng hóa để không phụ thuộc vào một thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
NHÓM P.V CHÍNH TRỊ