Tích cực phòng chống bệnh tay - chân - miệng

Cập nhật: 05-08-2011 | 00:00:00

7 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.215 ca TCM, trong đó có 7 ca tử vong

Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT ở các huyện, thị đều có văn bản chỉ đạo các trường mẫu giáo trên địa bàn tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh tay - chân - miệng (TCM), bảo vệ tốt sức khỏe học sinh. Ngành y tế cũng đã phối hợp trong việc truyền thông, tập huấn cho cả 2 đối tượng: nhà trường và cộng đồng về công tác khử khuẩn, vệ sinh lớp học, cách ly phòng bệnh, xử lý ổ dịch, không để lây lan.

 Bé vui chơi, khỏe mạnh là sự mong mỏi của thầy cô, cha mẹ

Thuận An và Dĩ An là 2 thị xã có số trường hợp mắc bệnh nhiều nhất tỉnh. Đến 31-7-2011, 2 thị xã này chiếm 50% số ca mắc của toàn tỉnh; riêng Dĩ An có số ca tử vong nhiều nhất tỉnh: 3 ca. Từ cuối tháng 6 ngành: giáo dục, y tế và gia đình trẻ, đã quyết liệt phòng chống TCM trên các địa bàn “nóng” này.

Cô Nguyễn Thị Ánh Hoa, Hiệu trưởng trường mẫu giáo Hoa Hồng 4, thị xã Dĩ An cho biết: “Nghe báo, đài thông tin về bệnh TCM, tôi cũng như đội ngũ GV đã tăng cường vệ sinh hơn nữa cho bề mặt trường lớp, dụng cụ học tập, đồ chơi của bé. Và khi có văn bản yêu cầu tập huấn về bệnh TCM, chúng tôi đã dự và nhận thuốc về triển khai pha và sử dụng làm sạch bề mặt phòng ốc, dụng cụ dạy học, đồ chơi, nhà vệ sinh. Và vào chiều 21-7, nhân giờ các phụ huynh đón bé, chúng tôi mời hơn 200 phụ huynh ở lại nghe bác sĩ TTYT thị xã tập huấn về cách phòng chống bệnh TCM cho bé tại nhà, cộng đồng. Nhờ được chăm sóc tốt ở nhà, cộng đồng và trường, nên học trò của trường không có em nào mắc bệnh TCM”.

Tại trường mẫu giáo Võ Thị Sáu, thị xã Dĩ An, công tác vệ sinh trường lớp còn kỹ lưỡng hơn. Do cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, mỗi lớp có 2 cửa ra vào, có nhiều cửa sổ, phòng ốc rộng rãi, khang trang, thoáng mát. Vào đầu giờ và cuối giờ các cô đều làm vệ sinh thật sạch sẽ, bảo đảm nuôi dưỡng chăm sóc bé thật chu đáo. Cô Tô Thị Hồng, Hiệu trưởng cho biết: “Thường thì các cô rất nghiêm túc trong việc cách ly phòng bệnh cho học sinh. Ngay khi đón cháu, thấy bé ấm đầu, dấu hiệu đầu tiên của các bệnh sốt xuất huyết, TCM... là các cô đã nhắc phụ huynh cho cháu nghỉ chăm sóc ở nhà, phòng lây lan”.

Có thể yên tâm ở các trường công lập, các trường tư thục lớn được cấp phép hẳn hoi, ở đây có sự phân công lao động rõ ràng: cô dạy, cô nuôi, cô cấp dưỡng, cô dọn vệ sinh... Nhiều trường còn cho các cháu nghỉ học hẳn 1 ngày để thực hiện tổng khử trùng bằng Cloramin B...

Song do có hàng trăm ngàn công nhân lao động di dân tự do đến Bình Dương ở trọ làm công nhân. Con họ còn quá nhỏ, theo quy định thì dưới 3 tuổi chưa được đi mẫu giáo, lại còn các quy định kèm theo phải có hộ khẩu mới được học trong trường cùng tuyến, rất nhiều bé cần người trông. Vì thế, các nhóm giữ trẻ gia đình ra đời. Có điểm giữ trẻ nhà cửa đàng hoàng rộng rãi, song cũng có nơi là nhà... trọ. Có ai hỏi thì bảo trông giúp mấy cháu. Cũng không ai nỡ làm khó công nhân nghèo. Ở đây,  mọi việc đều chỉ trông vào một vài người trông trẻ, thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong cả việc nuôi lẫn dạy và vệ sinh. Khi có bé bị bệnh TCM, cán bộ y tế xuống phun thuốc thanh khiết môi trường, tập huấn nhanh cho họ cách giữ vệ sinh, cách ly khi bé bệnh, để tránh lây lan.

Nhờ quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng bệnh, cách ly, xử lý triệt để các ổ dịch ở các trường học công lập cũng như tư thục, bệnh TCM ở các địa bàn “nóng”, điểm “nóng” đến nay đã khống chế được dịch, hạ nhiệt nhẹ, hạn chế lây lan. Toàn tỉnh từ 409 ca mắc trong tháng 6, đã giảm xuống 403 ca vào tháng 7-2011. Riêng ở Dĩ An, tháng 6 có 78 ca, đến tháng 7 giảm còn 53 ca.

 - Cô Tô Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Mầm non Võ Thị Sáu (thị xã Dĩ An):

“Nói không với bệnh TCM”

Nhận được văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, rồi qua báo, đài truyền thông, chúng tôi ý thức được sự nguy hiểm của bệnh TCM, nên chúng tôi đã quán triệt với đội ngũ giáo viên trong trường phương châm: Nói không với bệnh TCM bằng cách tăng cường vệ sinh trong lớp, trường. Rồi khi TTYT thị xã Dĩ An mời về dự tập huấn kiến thức phòng chống dịch, chủ yếu là vệ sinh bề mặt lớp học, đồ chơi bằng dung dịch Cloramin B, tôi cử 8 người, mỗi bộ phận 2 người, đi dự, để nắm về triển khai cho bộ phận mình. Từ đó, chúng tôi thực hiện công tác vệ sinh một cách triệt để. Trường cũng đã phối hợp với TTYT tập huấn cho phụ huynh học sinh, để công tác phòng chống TCM ở cộng đồng được đồng bộ.

 - Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thành Mỹ, Phó Giám đốc TTYT thị xã Thuận An:

“Cloramin B là chất để lau sàn nhà, khử trùng vật dụng, đồ chơi trẻ em”

Mặc dù các chuyên gia y tế đã lên báo, đài tuyên truyền rất nhiều về cách sử dụng chất Cloramin để diệt khuẩn, phòng chống bệnh TCM. Nhưng đến nay có nhiều người vẫn không biết chất Cloramin dùng để làm gì, sử dụng ra sao?

Cloramin B không phải để uống điều trị hay dự phòng mà nó dùng để lau sàn nhà, vật dụng, đồ chơi, phòng ngừa vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể trẻ. Nguyên tắc pha là cứ 1 lít nước hòa với 1 muỗng cà phê Cloramin B. Khi lau sàn nhà, nếu nước đổi màu do bẩn thì phải pha nước khác. Sau khi lau dung dịch xong, phải chờ 15-20 phút mới lau lại bằng nước sạch, để đủ thời gian vi khuẩn, vi rút chết.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=299
Quay lên trên