Hành vi cướp tài sản của người khác được Bộ luật Hình sự quy mức hình phạt ra sao?
ĐOÀN VĂN TUẤN (Lái Thiêu, TX.Thuận An)
Hành vi cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Người phạm tội cướp tài sản xâm phạm trước hết thân thể, tự do của con người để qua đó có thể xâm phạm sở hữu. Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 BLHS:
- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; gây hậu quả nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây hậu quả nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Hành vi dùng vũ lực được hiểu là hành vi dùng sức mạnh vật chất tấn công người khác nhằm ngăn cản người này chống lại việc chiếm đoạt. Người bị tấn công có thể là chủ tài sản, là người có trách nhiệm quản lý hay bảo vệ tài sản nhưng cũng có thể là người bất kỳ mà người phạm tội cho rằng người này đã hoặc có khả năng sẽ ngăn cản việc chiếm đoạt của mình.
Còn hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là trường hợp người phạm tội bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ hoặc cả hai dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu chống cự việc chiếm đoạt. Vũ lực đe dọa sẽ thực hiện có thể nhằm vào chính người bị đe dọa nhưng cũng có thể nhằm vào người khác có quan hệ thân thuộc với người bị đe dọa.
Luật gia XUÂN LẠC