Tranh luận “ nóng” tại diễn đàn Quốc hội các vấn đề an sinh xã hội

Cập nhật: 26-05-2018 | 18:48:47

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội sáng 26/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về các vấn đề an sinh xã hội như: vấn đề xử lý cán bộ; phòng, chống tham nhũng;giải pháp tháo gỡ tình trạng di dân; xử lý hành vi bạo hành trẻ em, bạo lực học đường…

Tránh tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tán thành việc Chính phủ đề ra và duy trì phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”, trong đó, đặt kỷ cương lên hàng đầu. Chính phủ cần tiếp tục thực hiện phương châm hành động và kiểm soát bộ máy hành chính bằng "10 chữ vàng" khuôn phép đã đề ra. Đó là triết lý của hành động, nền tảng của thành công.

Thủ tướng cần quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các kết luận, ý kiến chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương; tránh tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như hiện nay.

Đại biểu ủng hộ cao việc Thủ tướng sử dụng thẩm quyền nhân dân và Quốc hội giao là đứng đầu hệ thống cơ quan hành pháp, triển khai luật pháp, kiên quyết xử lý cán bộ theo thẩm quyền.

Trước hết có thể tạm đình chỉ công việc những cán bộ, lãnh đạo “hành” dân, “hành” doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong thu-chi ngân sách, sử dụng vốn ODA, xử lý cát tặc, lâm tặc, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ, đặc biệt là nạn bằng giả, thăng tiến "thần tốc," bổ nhiệm, nâng đỡ không trong sáng, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu...

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục triển khai giải quyết chính sách cho người di cư, bởi bà con dân tộc thiểu số vì kế sinh nhai nên từ miền bắc di cư vào Tây Nguyên, phá rừng làm nương rẫy. Họ không phải lâm tặc. Hiện, bà con không có giấy tờ tùy thân, không có chế độ chính sách, không được học hành... Vì vậy, Quốc hội, Nhà nước có chính sách đối với đồng bào di cư.

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Về phòng, chống tham nhũng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại tiền của của Nhà nước và nhân dân.

Thời gian qua, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự kiên quyết của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp.

“Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh. Những gia đình chính sách, cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn…

Lương cán bộ ở cơ sở một tháng chỉ 1,3 triệu đồng, dù thấp vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ,” đại biểu Dung nói.

Đại biểu Dung cho rằng cần hoàn thiện thể chế và nhanh chóng thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi vào kỳ họp thứ 6, sớm đưa vào thực thi.

Chung tay triệt nạn bạo hành trẻ em và bạo lực học đường

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa Vũng Tàu), thời gian qua còn tồn tại một hiện tượng làm nhức nhối trái tim và lương tri của nhiều người đó là vấn nạn bạo hành trẻ em trong các cơ sở nuôi dạy trẻ mầm non.

Dư luận xót xa khi xem các video clip, các giáo viên bảo mẫu hành hạ trẻ em tại nhóm trẻ Phương Anh, hoặc đầu năm 2017 xã hội phẫn nộ khi bảo mẫu bạo hành đày đọa các em bé trong giờ ăn, tìm mọi cách để tống thức ăn vào miệng.

Dư luận cũng phẫn nộ với hành động đánh trẻ ở Trường mầm non Sen Vàng với hành vi dùng dép đánh vào đầu trẻ; vụ bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh và gần đây nhất là vụ bào hành trẻ em ở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười.

Các vụ bạo hành trẻ em ở mức độ nghiêm trọng, liên tục xảy ra trong thời gian gần đây đã, đang khiến dư luận lo ngại. Đây cũng là tiếng chuông cảnh báo cho ngành chức năng để có những thay đổi tích cực. Đã đến lúc cần chung tay triệt nạn bạo hành trẻ em

Về nguyên nhân, đại biểu cho rằng, phía gia đình có sự buông lỏng hoặc có phương pháp sai lầm trong quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Việc ban hành chính sách nhiều nhưng việc giải quyết vi phạm chưa tương xứng. Việc tuyên truyền chưa sâu rộng. Công tác thanh, kiểm tra vi phạm chưa kịp thời, quyết liệt.

Bàn về vấn nạn bạo lực học đường, đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết, trung bình trong một năm học có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong, ngoài nhà trường; tức là khoảng 5 vụ/ngày. Điều đáng lưu ý là thái độ hờ hững, vô tâm của các học sinh chứng kiến, ghi hình cổ súy thay vì can ngăn.

Theo đại biểu, bạo lực học đường và bạo hành trẻ em đã, đang diễn ra phức tạp cả về tính chất, quy mô, hình thức, gây bức xúc trong dư luận và trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của nhiều gia đình, nhà trường, xã hội.

Cơ quan chức năng cần có cái nhìn mạnh mẽ hơn, xác thực hơn để từ đó có “liều thuốc” đặc trị trước mắt cũng như bài toán lâu dài ngăn ngừa. Đồng thời, tăng cường sự tương tác giữa gia đình và nhà trường, giữa nhà trường và các lực lượng chức năng để không xảy ra những hậu quả khôn lường.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cho nông dân, ngư dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường quản lý các trang mạng xã hội, có chế tài để xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự uy tín của người khác; vấn đề bảo tồn các di sản thiên nhiên và các di sản văn hóa, lịch sử .../.  

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=396
Quay lên trên