Hắt hơi, sổ mũi, đau họng, nhức đầu thường được xem những triệu chứng của “cảm xoàng”, bệnh nhẹ và có thể lướt qua được. Chính vì vậy mà nhiều người đã chủ quan với cảm cúm, chỉ khi bệnh trở nặng thì người bệnh mới bắt đầu uống thuốc, hao tốn nhiều tiền của…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cảm cúm là 1 trong 10 bệnh có tỉ lệ cao nhất tại nước ta (theo Niên giám thống kê y tế (Health Statistic Year Book) năm 2004 của Bộ Y Tế). Làm thế nào để phòng ngừa cảm cúm khi mà “mùa bệnh” đang tới?
Những triệu chứng thường gặp của cảm cúm
Trong thực tế, có những loại vi-rút cảm cúm tương đối “lành tính”, không gây biến chứng, người bệnh cảm thấy khó chịu trong một thời gian rồi khỏi. Tuy nhiên có những loại vi-rút cúm thuộc loại nguy hiểm do thường xuyên biến đổi cấu trúc di truyền đưa đến xuất hiện nhiều chủng loại mới (H5N1 & H1N1 xuất phát từ cúm gia cầm và loại này có thể lây nhiễm cho người bị cúm, dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm).
Cảm cúm thường có 3 triệu chứng như sau: hắt hơi, sổ mũi/nghẹt mũi, nhức đầu. Cảm cúm nặng hơn thì có 6 triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu/đau nhức mình mẩy, ho, có đờm, đau họng…
Hiện người bệnh thường nhìn vào một vài triệu chứng như nhức đầu, đau nhức mình mẩy để uống thuốc, trong khi đó, chính các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, ho, đờm là bước đầu của nhiễm trùng đường hô hấp, dẫn đến các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi… nếu không điều trị sớm sẽ trở thành nghiêm trọng. Khi mắc bệnh cảm cúm, chúng ta cần nhìn tổng thể các triệu chứng để có cách điều trị sớm và hiệu quả.
Cần đặt trọng tâm điều trị triệu chứng
Cảm cúm khó tránh nhưng dễ trị, chủ yếu là đặt trọng tâm điều trị triệu chứng ngay từ đầu. Các bệnh về mũi như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi sẽ cần một hoạt chất riêng giúp co mạch, chống sung huyết mũi để giảm các triệu chứng này. Với các triệu chứng như đau đầu, nhức mình, mỏi cơ thì cũng có một hoạt chất riêng…. Bên cạnh đó, tùy theo nhu cầu công việc như làm việc, học tập… mà người bệnh có thể chọn những hoạt chất chống buồn ngủ, giúp tỉnh táo trong ngày. Nếu gặp cảm cúm nặng hơn, người bệnh cần có thêm các hoạt chất khác để trị ho, loãng đờm cũng như tăng cường vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo rằng ngoài những triệu chứng kéo dài, nếu cảm thấy khó thở, sốt cao, đau nhức nhiều hoặc sốt dai dẳng... thì nên đi đến bệnh viện để kịp thời chẩn đoán những biến chứng của cúm và điều trị thích hợp.
Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, rất dễ lây lan từ người này qua người khác khi người nhiễm siêu vi cảm cúm ho, hắt hơi hay tiếp xúc trực tiếp với người khác. Vì vậy, biết được những triệu chứng của cảm cúm có thể có để dùng thuốc phù hợp, từ đó sẽ giúp cho hết bệnh nhanh và hạn chế lây lan sang những người xung quanh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Làm thế nào để làm chủ cơ thể và chống lại những cơn cảm cúm khiến bạn khó chịu và gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc cũng như những sinh hoạt hàng ngày? Những lời khuyên của TTS. BS Nguyễn Trọng Minh, Phụ trách phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời là Giảng viên Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy trong buổi giao lưu trực tuyến sẽ rất hữu ích cho bạn, gia đình bạn cũng như cộng đồng hiểu về bệnh cảm cúm, giúp chúng ta cách dùng thuốc một cách phù hợp, ngõ hầu có thể tránh hoặc giảm thiểu được những biến chứng có thể có của bệnh, đặc biệt trong mùa cảm cúm này thông qua buổi giao lưu trực tuyến Phòng ngừa và điều trị cảm cúm trong mùa lạnh.
Theo Dân Trí