Triển khai gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật: 05-05-2012 | 00:00:00

Trong 2 ngày 3 và 4-5, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4. Vấn đề tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), phát triển sản xuất, kinh doanh được Chính phủ tập trung xem xét tại phiên họp lần này.

Kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 9%

Về tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định đã đạt những bước tiến quan trọng, CPI giảm liên tục, so với tháng 12-2011, CPI tháng 4 chỉ tăng 2,6% (thấp nhất trong 3 năm qua, cùng kỳ năm 2011 tăng 9,64%, năm 2010 tăng 4,27%). Với tình hình CPI hiện nay, năm 2012 chắc chắn sẽ dưới một con số, khoảng 9%. Các chỉ số khác như nhập siêu, xuất khẩu đều tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm khó khăn nhưng trong tháng 3 và 4 đã chuyển biến và có chiều hướng cải thiện rõ.

 Giao dịch tại Eximbank.  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tinh thần chung là phải tiếp tục bám sát các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm là kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 9%, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 6%) và bảo đảm thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.

Nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho DN

Tại kỳ họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, hiệp hội liên quan tập trung khảo sát, đánh giá tình hình DN để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trong số các DN gặp khó khăn, giải thể, có nhiều DN năng lực tài chính yếu, sản phẩm kém khả năng cạnh tranh cần phải được cơ cấu lại. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là hiện nay xu thế DN thành lập mới giảm, trong khi đó số lượng DN đã phải thu hẹp, ngừng, thậm chí chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.

Từ thực tế đó, Chính phủ đã thống nhất triển khai gói hỗ trợ DN. Trong vài ngày tới, Chính phủ sẽ có nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó bao gồm cả giải pháp điều hành vĩ mô, tiền tệ, những chính sách về miễn - giảm - giãn thuế cho DN. Theo đó, tiếp tục giãn thuế VAT, lùi thời gian thu và giảm thuế thu nhập cho một số DN. Mở rộng diện giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất. Hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình như khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội (sử dụng nhiều xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng…). Đối với lãi suất ngân hàng, Chính phủ khẳng định sẽ đưa lãi suất về mức hợp lý so với CPI, hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

DN khó khăn chủ yếu là DN vừa và nhỏ, DN gia công, dệt may, nông - lâm thủy sản, xây dựng, bất động sản, xi măng, sắt thép. Vì vậy, gói hỗ trợ DN tới đây tập trung về thuế: Giảm 30% thuế thu nhập DN 2012 đối với các DN vừa và nhỏ (trừ kinh doanh tài chính, bảo hiểm, xổ số…); DN sản xuất gia công; giảm thuế VAT 3 tháng 4, 5, 6 trong thời hạn 6 tháng; giảm 50% tiền thuê đất của DN thương mại và dịch vụ (trước đã giảm 50% tiền thuê đất đối với DN sản xuất, nay mở rộng ra tất cả các DN); về chi ngân sách sẽ đẩy nhanh phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân nhanh để tiêu thụ hàng tồn kho, bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng cho vay để kiên cố hóa kênh mương, cho phép sử dụng trong năm 2012 phần kinh phí tạm dừng mua sắm của năm 2011…

Tất cả những giải pháp này để hỗ trợ DN tiêu thụ hàng tồn kho, mở rộng đầu ra. Theo tính toán, tổng hợp sơ bộ gói giải pháp này về mặt tài chính là khoảng 29.000 tỷ đồng. Tác động đến thu ngân sách năm 2012 giảm khoảng 9.000 tỷ đồng. Để bù đắp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các giải pháp tăng cường chống nợ đọng thuế, bù đắp một phần từ tăng giá dầu thô… Điều đó sẽ tạo cơ hội để DN khôi phục “sức khỏe” vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên