Mới 24 tuổi nhưng chàng thanh niên Cao Văn Đoàn (ấp 9, xã An Linh, huyện Phú Giáo) đã trở thành ông chủ của một trang trại dế với số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng, cho thu nhập gần 2 tỷ đồng mỗi năm.
Cao Văn Đoàn với trang trại dế của mình.
Thất bại không nản chí
Cùng ba mẹ rời quê hương Thái Bình vào lập nghiệp ở xã An Linh (Phú Giáo) từ năm 2003, thời gian đầu cuộc sống đối với gia đình Đoàn gặp rất nhiều khó khăn do nhà đông anh em lại không có đất canh tác. Học tới lớp 10 Đoàn phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Trải qua nhiều công việc từ đi làm rẫy thuê đến phụ xe rồi tài xế… nhưng thu nhập bấp bênh đã khiến Đoàn quyết định một hướng đi mới cho mình.
Đoàn bắt đầu với những kế hoạch phát triển mô hình trang trại tại gia nhưng chưa biết chọn loại vật nuôi nào vừa ít vốn mà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đoàn mày mò tìm kiếm thông tin, học hỏi qua sách báo, internet và các phương tiện truyền thông đại chúng. Tình cờ, Đoàn tìm được thông tin một trang trại dế và bọ cạp lớn ở quận 9 (TP. HCM), anh chủ động liên hệ để học hỏi kinh nghiệm và đặt mua giống về nuôi.
Cuối năm 2010, Đoàn đem tất cả tiền tiết kiệm và tiền của gia đình cộng với số tiền vay mượn của bà con họ hàng, khoảng 40 triệu đồng, đầu tư gây dựng cơ nghiệp với 8.000 con dế giống. Một tháng sau, dế chuẩn bị xuất chuồng thì bị bệnh chết hàng loạt. Nguyên nhân là do anh chưa nắm vững cách thức chăm sóc, thời tiết lúc đó lại không thuận lợi. Số dế còn lại anh mang đi tiêu thụ nhưng cũng không thể nào thu hồi vốn, trái lại còn mắc nợ nhiều hơn.
Không nản chí, anh mang số tiền mới vớt vát được từ số dế ít ỏi lên đường tìm đến các trang trại nuôi dế ở Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM), Đồng Nai,… để học hỏi kinh nghiệm. Với suy nghĩ “cuộc sống phải có khó khăn, ai muốn thành công đều phải trải qua nhiều lần thất bại. Chẳng lẽ mình lại đầu hàng trước con côn trùng bé tí thế sao”, khoảng 3 tháng sau với nhiều đêm thức trắng để đúc rút kinh nghiệm và tìm ra nguyên nhân khiến dế chết, anh bắt tay vào nuôi những lứa dế tiếp theo.
“Nuôi dế chỉ cần những chiếc thùng xốp nhỏ, chậu nhựa hoặc thùng nhựa có nắp đậy, lót dưới ít rơm và cỏ, phải luôn đủ nước và thức ăn. Nhưng lơ là những chú dế này chỉ một vài giờ thiếu thức ăn và nước uống thì chúng có thể chết nhanh chóng”, Đoàn cho biết. Chính sự cần mẫn đó đã giúp những lứa dế của anh phát triển khỏe mạnh, số dế chết giảm hẳn. Lượng dế thương phẩm ngày càng nhiều nhưng việc tiêu thụ lại gặp khó khăn. “Do chưa quen biết nhiều khách hàng nên đến ngày dế xuất trại tôi vẫn chưa tìm được nơi tiêu thụ. Nhiều ngày liền tôi phải chạy xe máy hàng trăm cây số để tìm thị trường và cuối cùng thì trời chẳng phụ công người, sau đó tôi đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của một số nhà hàng, quán nhậu ở Đồng Nai, TP.HCM”, Đoàn nhớ lại.
Thành công
Thấm thoát gần 3 năm theo nghiệp nuôi dế, từ 100 thùng dế ban đầu, đến nay cơ ngơi của anh đã có 1.900 thùng dế thương phẩm và dế giống, thị trường được mở rộng khắp các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Đắc Lắc… Bình quân mỗi ngày anh cung cấp cho thị trường 60 - 70kg, giá từ 95.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại, còn dế thịt với giá từ 200.000 - 250.000 đồng/ kg, giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động là thanh niên địa phương với thu nhập mỗi người từ 5 - 7 triệu đồng/ tháng. Tổng doanh thu hàng năm từ trang trại dế sau khi trừ chi phí, mang về cho anh lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.
Theo anh Đoàn, nuôi dế không khó, số vốn đầu tư lại phù hợp với thanh niên nông thôn. Nuôi dế chỉ cần sự cần cù, kỹ lưỡng và biết yêu thích chúng là được. Dế ăn ít, thức ăn lại dễ tìm vì chúng chỉ ăn các loại rau củ, cám. Thời gian sinh trưởng của nó cũng rất nhanh, từ khi trứng đến khi nở là 9 ngày và sau 28 - 30 ngày nuôi là bán được.
Bằng chính những cố gắng vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, mới đây, Đoàn là một trong 4 gương mặt thanh niên của tỉnh vinh dự được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Đình Của năm 2013.
“Cuộc sống phải có khó khăn, ai muốn thành công đều phải trải qua nhiều lần thất bại. Chẳng lẽ mình lại đầu hàng trước con côn trùng bé tí thế sao”, Cao Văn Đoàn nói
TÂM BÌNH