Trời trở lạnh đột ngột đã khiến lượng bệnh nhi nhập viện do viêm tiểu phế quản, viêm phổi tăng cao.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, nơi tiếp nhận bệnh nhi ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, trong ngày 31-10 đã có khoảng 2.000 cháu đến khám, trong đó số trẻ bị ho, cảm, sổ mũi chiếm lượng lớn.
Theo nhận định của các bác sĩ khoa Hô Hấp, số trẻ nằm viện hiện hơn 200, cao hơn so với những tuần trước. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi.
Bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cho hay, lượng trẻ mắc bệnh nhập khoa điều trị đã tăng dần từ hơn một tháng nay, tuy nhiên đỉnh cao là trong tuần qua. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận mới từ 50-60 bé nâng tổng số bệnh nhi nằm viện mỗi ngày trên 200 em.
Trẻ mắc bệnh hô hấp tại phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Cũng theo bác sĩ Loan, viêm tiểu phế quản, viêm phổi là những bệnh thường thấy. Lượng bệnh nhân tại TP.HCM chiếm khoảng 1/4. Nhiều bé nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải nằm phòng cấp cứu để được chăm sóc đặc biệt.
“Trẻ mắc suy hô hấp thường từ 2 tuổi trở xuống, đặc biệt trường hợp nặng thường rơi vào các cháu dưới 6 tháng tuổi. Nguyên nhân do đường thở của các bệnh nhi này nhỏ, dễ gây nghẽn đàm, hoặc sưng, viêm”, bà Loan nói.
Không chỉ TP.HCM, những ngày qua, Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai, số trẻ mắc bệnh hô hấp đến khám cũng tăng gấp 2 lần những tuần trước. Nhiều trẻ đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy.
Phân tích nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh hô hấp trong thời điểm này, theo bác sĩ Loan là do thời tiết thay đổi khiến khả năng đề kháng của các bé giảm, virus nhân cơ hội này mà tấn công.
"Để phòng bệnh, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng tốt, ngoài ra cần giữ ấm cơ thể", bác sĩ Loan nói.
Bà Loan cũng khuyên phụ huynh, khi thấy con mắc bệnh hô hấp, không nên tự mua thuốc uống, nhất là thuốc ức chế ho vì dễ gây tắc đàm dẫn đến khó thở và suy hô hấp.
"Để được chẩn đoán và điều trị đúng, phụ huynh cần đưa bé đến bác sĩ. Riêng trường hợp trẻ bú khó, thở nhanh, ngủ li bì hoặc co giật thì phải đưa ngay đến bệnh viện", bác sĩ Loan nói.
Tại Hà Nội, sau hơn một tuần trời trở lạnh, số trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp cũng tăng đáng kể.
Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, cả tháng nay, khoa hô hấp nhi luôn trong tình trạng quá tải vì số trẻ phải nhập viện quá đông. "Số trẻ đến khám do ho, khò khè, viêm mũi họng tăng gấp đôi, còn số cháu nằm viện mỗi ngày khoảng 80-90, trong khi khoa chỉ có 45 giường bệnh. Nhiều trường hợp chúng tôi phải cho bệnh nhi ra viện sớm để lấy chỗ các các trẻ khác vào", bà Lan nói.
Theo bác sĩ, thời tiết miền Bắc trong đợt rét đầu, với độ ẩm thấp, trời hanh khô, nhiệt độ chênh lệch lớn trong một ngày, khiến các bệnh do virus có điều kiện phát triển, như cúm, viêm đường hô hấp, và rất dễ lây lan. Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, chưa kịp thích nghi dễ đổ bệnh hoặc bị lây từ người lớn.
Bác sĩ Lan cho biết, đa số trẻ vào viện là do bị viêm hô hấp do virus hoặc trẻ có sẵn tiền sử bị hen tái phát cơn, bệnh trở nặng. Các biểu hiện thường gặp là ho, thở khò khè, khó thở, co rút lồng ngực, trẻ nhỏ thì bỏ bú, quấy khóc...
"Những trường hợp viêm đường hô hấp này đa số đều chỉ điều trị triệu chứng, cho uống kháng sinh giai đoạn đầu vừa không có tác dụng, vừa khiến trẻ mệt thêm", bà Lan khuyến cáo.
Theo bác sĩ, để phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết đầu đông này, bố mẹ cần lưu ý giữ ấm cho con, đồng thời thay trang phục cho trẻ phù hợp với nhiệt độ môi trường (buổi sáng và tối mặc ấm, trưa nắng nên cởi bớt đồ), hạn chế cho bé ra ngoài trời lúc có sương, gió. Cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, đồng thời thường xuyên làm thông thoáng đường thở, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thêm các loại trái cây, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng
"Khi trẻ bị bệnh, bố mẹ cần theo dõi chặt chẽ và hỏi ý kiến bác sĩ, tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng kháng sinh. Với những bé dưới hai tháng tuổi, khi bị viêm nhiễm đường hô hấp sẽ rất dễ bị biến chứng, nên cần được khám bệnh kịp thời", bác sĩ Lan khuyên.
Theo VNE