Trường Đại học Bình Dương: Góp phần xây dựng nền giáo dục mở 

Cập nhật: 26-09-2015 | 08:48:29

Hôm nay (26-9), trường Đại học (ĐH) Bình Dương tổ chức kỷ niệm 18 năm thành lập (24.9.1997 - 24.9.2015). Vào thời điểm ấy, trường ĐH Bình Dương là trường ĐH thứ hai ở Sông Bé ra đời sau Phân hiệu ĐH Mở Bán công TP.HCM tại Sông Bé. Trường có sứ mệnh góp phần đào tạo nguồn nhân lực bậc ĐH phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh trong khu vực.


Trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh cho các học viên, chương trình liên kết giữa trường ĐH Bình Dương và ĐH Benedic Tine (Hoa Kỳ)

Nhắc đến trường ĐH Bình Dương là xã hội nhớ đến phương pháp giáo dục hiện đại “Cộng học” giữa thầy và trò, giữa các bạn học, học với mọi người xung quanh, học ở cộng đồng xã hội. Phương pháp này được xây dựng trên nguyên tắc 4 chữ H: “Học - Hỏi - Hiểu - Hành”, là nền tảng để con người hoàn thiện trách nhiệm của mình với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, với thiên nhiên, là những giá trị đích thực mà mỗi con người cần phải có.

Có thể nói, sự ra đời của trường ĐH Bình Dương vào thời điểm mở cửa và hội nhập đã đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng. Với tầm nhìn xa, Ban giám hiệu đã xây dựng trường trở thành trường ĐH đa lĩnh vực, hệ thống chương trình mục tiêu, nội dung đào tạo các ngành nghề khác nhau, các cấp học khác nhau từ cao đẳng - ĐH - thạc sĩ - tiến sĩ. GS-VS Cao Văn Phường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong 18 năm qua nhà trường đã cung cấp và đào tạo cho xã hội hơn 60.000 sinh viên (SV), trong đó 41.423 SV hệ chính quy, 18.577 SV hệ không chính quy. Đã có khoảng 350 thạc sĩ, 22.719 SV ĐH và cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tốt nghiệp, trong đó có 8.798 em tốt nghiệp hệ đào tạo không chính quy. Phần lớn các em đều có việc làm, nhiều em đảm trách những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, xí nghiệp, nhiều em thành đạt ở nước ngoài. Bạn Châu Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tài chính huyện Bàu Bàng, là cựu SV trường nhận xét: “Khi chính thức trở thành SV của trường, chúng tôi đã được tiếp cận với một chương trình đào tạo hiện đại, gắn với nhu cầu xã hội đang cần. Đội ngũ giảng dạy là những nhà sư phạm có tâm huyết, có trình độ, có phương pháp sư phạm đã giúp chúng tôi bù đắp những lỗ hổng trong kiến thức và bồi tiếp những lý thuyết mới, tiên tiến phục vụ cụ thể cho nghề nghiệp mà chúng tôi theo đuổi. Bên cạnh được đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp, chúng tôi còn được quan tâm huấn luyện những kỹ năng bổ trợ khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản trị các mối quan hệ xã hội…”.

Tuy là trường ngoài công lập nhưng trường ĐH Bình Dương đã quy tụ được hơn 700 cán bộ khoa học trong và ngoài nước tham gia thường xuyên các hoạt động giáo dục và khoa học công nghệ, trong đó có 450 giảng viên cơ hữu, có 64 viện sĩ, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tham gia vào Hội đồng khoa học và đào tạo của trường. Đặc biệt, trường đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước và các ĐH, Viện nghiên cứu các nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ba Lan, Nga, Belarus…

18 năm qua, trải qua bao thăng trầm, vượt lên tất cả và được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, của Bộ Giáo dục - Đào tạo và cơ quan, ban ngành Trung ương và các địa phương, trường ĐH Bình Dương từng bước được củng cố, chất lượng giáo dục ngày được nâng cao, uy tín của nhà trường ngày càng được khẳng định trong hệ thống giáo dục, được nhiều bạn bè trong và ngoài nước biết đến.

GS-VS Cao Văn Phường: Chúng tôi tự hào trường ĐH Bình Dương là một trong số ít trường ĐH ngoài công lập thực hiện tốt chính sách xã hội hóa giáo dục, trường đã phát huy tốt tiềm năng của xã hội để hình thành cơ sở trường lớp, ký túc xá “Ba trong một”. Đặc biệt, trường đã đầu tư xây dựng Phân hiệu trường ĐH Bình Dương tại Cà Mau hiện có hơn 2.500 SV theo học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Cà Mau còn nhiều khó khăn. Những kết quả trên là minh chứng: ĐH Bình Dương góp phần thực hiện chính sách mở trong giáo dục của Đảng và Nhà nước thông qua con đường xã hội hóa giáo dục.

 

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=648
Quay lên trên
X