Hôm nay (11-8), Đại hội Đảng bộ TX.Tân Uyên lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức diễn ra. Đây là đại hội có ý nghĩa quan trọng nhằm “mở đường” để TX.Tân Uyên tiếp tục tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa kể từ khi chia tách địa giới hành chính và chính thức trở thành TX.Tân Uyên. Phát huy truyền thống Chiến khu Đ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX.Tân Uyên đang ra sức xây dựng, biến vùng đất hoang hóa bởi sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, trở thành một đô thị văn minh, phát triển đồng bộ và bền vững.
Trong cuốn sách viết về Chiến khu Đ của tác giả Hồ Sĩ Thanh do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2003, Chiến khu Đ là một trong hai căn cứ quan trọng nhất của miền Đông Nam bộ, nối cao nguyên với những đô thị lớn thuộc tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai) và Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương). Với địa hình rừng rú hiểm trở, Chiến khu Đ trở thành mật khu căn cứ, nơi trú giấu lực lượng, kho tàng dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển mọi hoạt động của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước.
Ngoài việc giữ vị trí chiến lược và là “trạm trung chuyển” quan trọng từ miền Bắc vào miền Nam, Chiến khu Đ còn là ưu thế của một “bàn đạp” tấn công vào các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế của địch ở Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ. Trên một phương diện khác, Chiến khu Đ được coi như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, đã lập nên những chiến công vang dội, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của cả nước trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Qua biết bao gian khổ, thăng trầm, Chiến khu Đ đã đi vào lịch sử như một biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; một Việt Bắc của Nam bộ thành đồng Tổ quốc.
Phạm vi Chiến khu Đ mà tác giả cuốn sách đề cập là một vùng rộng lớn bao gồm Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của người dân Bình Dương, Chiến khu Đ chính là vùng đất Tân Uyên anh hùng. Đây cũng là “vùng lõi” hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù trong những năm tháng chiến tranh. Chính vì vậy mà sau ngày giải phóng, vùng đất này mặc dù đi trước nhưng phải về sau vì sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Những năm gần đây, đặc biệt là sau khi chia tách huyện để hình thành thị xã, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, TX.Tân Uyên đang khoác lên mình chiếc áo mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thừa hưởng thành quả của huyện Tân Uyên trước đây, cùng với việc chú trọng xây dựng hạ tầng công nghiệp và mời gọi đầu tư nên tốc độ tăng trưởng công nghiệp tại TX.Tân Uyên trong nhiệm kỳ qua năm sau luôn cao hơn năm trước; cơ cấu kinh tế ổn định là công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp như nghị quyết đề ra với tỷ lệ tương ứng là 67,62%, 29,6% và 3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,1 triệu đồng/người/năm. Những con số đó cho thấy, TX.Tân Uyên đang khởi sắc từng ngày.
Cùng với lợi thế công nghiệp phát triển nhanh, TX.Tân Uyên không còn phải “bao gánh” các xã vùng xa đã được chia tách về huyện Bắc Tân Uyên. Do vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX.Tân Uyên có thể nhanh chóng phát huy lợi thế để viết tiếp truyền thống anh hùng trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương thời gian tới.
LÊ QUANG