Tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung Ương 4 (Khóa XI): Bài thuốc “trị bệnh cứu người”

Cập nhật: 27-11-2012 | 00:00:00

Hiện nay, toàn Đảng ta đang thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc từ trên xuống dưới, bởi vì: “Phê bình cũng ví như người đi bằng hai chân, nếu chỉ phê bình trên thôi thì chỉ đi bằng một chân, không thể đi được” (Hồ Chí Minh toàn tập, trang 584-585). Cũng theo Người: “Cấp trên phê bình chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình ấy mới hoàn toàn”.

  Tự phê bình và phê bình là giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ

Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, để giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Nhưng việc vận dụng tự phê bình và phê bình như thế nào cho đúng và cho phù hợp để đem lại kết quả cao nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng lại là một vấn đề quan trọng. Điều này được Bác Hồ quan tâm từ rất sớm, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào tháng 10-1947 và cả đến những bài báo và bài viết sau này, Người cũng đều quan tâm đến tự phê bình và phê bình. Bác ví khuyết điểm như bệnh tật, phê bình như uống thuốc: “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng” (Hồ Chí Minh toàn tập, trang 273).  

 Hội nghị kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Bến Cát theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tự phê bình là cá nhân (cơ quan, đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp cho mình sửa chữa những khuyết điểm đó và qua đó giúp cho đồng chí, đồng nghiệp của mình không bị mắc phải những khuyết điểm mà mình đã vi phạm. Còn phê bình là thấy ai có khuyết điểm thì góp ý một cách chân tình, cởi mở, trên quan điểm phát triển chứ không phải là có ý đồ nói phê phán, bới móc và đả kích nhau… làm phản đi tác dụng của phê bình mà cốt phê bình để họ sửa chữa, để họ tiến bộ hơn. Bác căn dặn: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Do đó, trong những năm qua Đảng ta không ngừng tự chỉnh đốn và đổi mới mình, tìm ra những ưu điểm và khuyết điểm, đồng thời có giải pháp khắc phục kịp thời những sai lầm, khuyết điểm đó. Qua đó, làm tròn sứ mệnh lịch sử của một Đảng mà nhân dân và dân tộc giao cho, xứng đáng là một Đảng tiên phong, là một Đảng cách mạng chân chính nhất và nhất là với vai trò một Đảng cộng sản cầm quyền. Chính vì là Đảng cầm quyền nên Đảng cần phải thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình, xem như cơm ăn nước uống hàng ngày, xem như nhu cầu rửa mặt hàng ngày. Tuy nhiên, trong thực hiện tự phê bình và phê bình nhiều tổ chức, cá nhân và nhiều nơi vẫn còn thực hiện thiếu chặt chẽ, còn hình thức, đối phó, còn nể nang, né tránh không dám nói thật và nói thẳng nên thiếu sức chiến đấu, mất dân chủ. Do đó không phát huy được sức mạnh của tập thể, gây mất đoàn kết nội bộ. Vai trò của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thiếu gương mẫu, không đưa ra được nguyên tắc và phương pháp tự phê bình và phê bình nên lợi dụng phê bình để đề cao cá nhân, che giấu khuyết điểm cho nhau, ca tụng nhau… Nên khi tiến hành phê bình phải giữ vững về nguyên tắc, mềm dẻo, khéo léo về cách thức tức là phê bình đồng chí mình vào khi nào, nói những gì, nói đến mức độ nào? Nếu chỉ dùng phương pháp mệnh lệnh, ép buộc, chỉ từ trên xuống thì rất khó làm cho người bị phê bình tiếp thu một cách chân thành và tự giác. Hãy nhớ rằng, tự phê bình và phê bình theo Hồ Chí Minh là để CB, ĐV và nhân dân học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau. Theo Bác, đối tượng và nội dung trực tiếp của tự phê bình và phê bình là phê bình việc chứ không phải phê bình người, tức là ta gột rửa đi những thói hư, tật xấu, những vi khuẩn bám vào cơ thể làm “phát sinh ra bệnh” chứ không phải là cắt bỏ đi một phần thân thể của con người mà ở đây là “trị bệnh cứu người”. Lênin cũng đã từng đưa ra quan điểm: Mục đích của tự phê bình và phê bình cốt giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa chữa giúp nhau làm việc tốt hơn, đúng hơn, cốt để đoàn kết thống nhất nội bộ.

Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Nếu từ chối nó tức là không tiếp thu, không sửa chữa, không tìm ra được khuyết điểm của cá nhân, tổ chức dẫn đến trầm trọng, gây nguy hại đến sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng

Lần này, trong Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay”, Trung ương đưa ra 3 nội dung trọng yếu để thực hiện tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, đồng thời Trung ương cũng xác định nội dung: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ CB, ĐV, nhất là CB, lãnh đạo, quản lý các cấp là nội dung trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Bởi vì nó đánh giá công tác tư tưởng của tổ chức Đảng nói chung cũng như từng CB, ĐV nói riêng. Nếu CB, ĐV không kiên định, không giữ vững lập trường tư tưởng, mơ hồ, dao động, lệch lạc sẽ biểu hiện từ nhận thức ra hành động trong lời nói, trong công việc với thái độ như thế nào? Ý thức của mình được biểu hiện ra sao? Đó là từ việc thực hiện công tác CB đến việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của mình; là hành động cụ thể của mỗi CB, ĐV làm ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể cũng như lợi ích của dân tộc. Chính vì vậy, đây là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng có ý nghĩa quyết định to lớn đến vai trò lãnh đạo của Đảng, uy tín của Đảng với nhân dân.

Cần nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc của CB, ĐV trong thực hiện tự phê bình và phê bình, không làm hình thức, qua loa, chiếu lệ, quan trọng là xác định nội dung, hình thức phê bình cho phù hợp và cho đúng đối với từng đối tượng và phải xem tự phê bình và phê bình không những là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng mà còn là một nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn của Đảng ta. Thực hiện theo đúng nghĩa của nguyên tắc này, sẽ góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng nói riêng và của toàn Đảng nói chung, bởi vì Đảng như một cơ thể sống đòi hỏi các tế bào của Đảng phải khỏe mạnh, nhất là CB, ĐV của Đảng phải tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết.

 

 ĐẶNG THỊ HỒNG MỸ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên