Tục cúng đầu heo ở vùng quê Nam bộ

Cập nhật: 10-02-2019 | 10:51:59

Kể từ khi vùng đất phương Nam được người dân tứ xứ kéo đến khai hoang lập ấp, dựng xóm mở chợ, nhiều phong tục tập quán cũng theo chân lưu dân từ khắp các vùng miền đất nước tụ hội và hình thành. Dần dà, những phong tục tập quán này đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, trong đó có tập tục cúng đầu heo của người dân Nam bộ vào lễ Tất niên.

Tích xưa kể rằng, vùng đất Nam bộ buổi đầu khẩn hoang là vùng đất âm u nhiều chướng khí. Thuở ấy, rừng rậm mênh mông chưa có người khai phá nên trên rừng cọp beo, rắn rết đi lại nghênh ngang, dưới sông thì rùa, cá sấu nổi đầu lên như bè củi! Cái buổi ban đầu ấy, những người dân mở đất với hành trang thô sơ vừa từ ghe bầu, thuyền buồm đặt chân lên vùng đất hoang rậm với nhiều thú dữ như hiệp sức thử thách lòng người. Đáng nói nhất trong các loài thú dữ nơi đây là cọp và cá sấu. Cọp và cá sấu nhiều vô kể, là mối đe dọa thường xuyên, làm cản trở công việc khẩn hoang, đe dọa thường trực tính mạng của con người: “Đồng Nai xứ sở lạ lùng/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Để yên ổn khẩn hoang lập ấp, nhiều người vái lạy nếu gia đình bình yên vô sự thì cuối năm xin cúng tạ đất đai thổ thần con heo. Thực tình cuối năm người vái lạy muốn trả lễ bằng cả con heo, nhưng do nhà nghèo, cúng nguyên cả con heo có khi lãng phí vì ăn không hết, nên lưu dân đơn giản hóa bằng cách cúng cái đầu heo thay cho cả con heo. Tuy cúng cái đầu heo, nhưng nhìn vào cỗ cúng thì vẫn thấy nguyên cả con heo. Cùng với cái đầu heo, cỗ cúng còn có miếng mỡ chài trùm lên cái đầu được cắt ngang cổ heo. Xung quanh cái đầu heo được trang trí bốn móng heo, chút gan, chút tim, chút lòng và cuối cùng là cái chót đuôi. Tất cả đều được luộc chín trong nồi cháo nấu bằng gạo trắng. Khi cháo chín nhừ, đầu heo cũng vừa chín tới, người ta vớt ra để đầu heo trên mâm rồi trang trí sao cho đẹp mắt.

Mâm cúng sau khi đã chuẩn bị tươm tất, được bày ra cùng ba hay năm, bảy chén cháo, nhang đèn thắp sáng, gia chủ bắt đầu vái lạy trả lễ thần linh đã phù hộ cho gia đình một năm an bình, vô sự. Sau này, tục cúng đầu heo được mở rộng dần ra trong nhiều lễ cúng khác nhau từ động thổ cất nhà đến đáp lễ một năm mua may bán đắt, mùa màng bội thu, cúng xe cúng tàu, trả lễ cho người mai mối trong dựng vợ, gả chồng… Nói chung, cúng đầu heo nằm trong mạch chảy “tế thần”, có từ lâu đời và thích nghi dần với đời sống đương đại của người dân miền quê Nam bộ. Ngày nay, không ít gia đình ở các vùng quê Nam bộ vẫn còn giữ gìn tục cúng đầu heo vào lễ Tất niên hay đầu năm mới.

Nhìn từ góc độ văn hóa, cúng đầu heo là tập tục đẹp trong sinh hoạt tâm linh. Xét ở góc độ ẩm thực, đầu heo ít mỡ có thể làm được nhiều món, trong đó có món chả thủ để ăn dần trong nhiều ngày nhân dịp tết đến. Vậy nên, cúng đầu heo bên cạnh tập tục văn hóa tâm linh còn là việc tích trữ thực phẩm thông minh cho những ngày tết của cha ông ta khi công nghệ bảo quản thực phẩm chưa phát triển như ngày nay.

HÀN NGÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên