Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Phúc Lâm: Sẽ có 200 cán bộ trẻ làm lãnh đạo xã, phường

Cập nhật: 06-09-2011 | 00:00:00

 Thực hiện Chương trình hành động số 20 ngày 20-7-2011 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, “Bình Dương đang xây dựng Đề án tuyển chọn và đào tạo 200 cán bộ trẻ làm lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã”, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Phúc Lâm cho biết.

Đây là một trong những chương trình đột phá để thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 trong đó có đặt ra vấn đề về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật... Chính vì thế, “Đề án tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn” là bước đi cụ thể nhằm thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020.

 Cán bộ trẻ phường Phú Cường (TX.TDM) họp bàn giải quyết công việc cho người dân

Con số thống kê mới nhất cho biết, trong 91 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có 520 cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt là bí thư, phó bí thư; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND. Về độ tuổi, có 175 người trên 50 tuổi, chiếm tỷ lệ 33,66%. Về trình độ, có 34,6% cán bộ tốt nghiệp đại học; 44,42% cán bộ có trình độ từ trung cấp quản lý Nhà nước trở lên và 6,54% cán bộ có trình độ học vấn cấp II... Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, đồng thời để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã là rất cấp thiết.

- Ông có thể cho biết về kết quả thực hiện công tác này trong thời gian qua?

- Việc tạo nguồn cán bộ cấp xã nói riêng và hệ thống chính trị của tỉnh nói chung được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm, ngay từ năm 1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TU về công tác cán bộ để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Kết quả từ năm 1997 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo 5 khóa học nguồn cho cán bộ cấp xã với 520 học viên. Hiện đã có 457 người sau khi ra trường đang làm việc ở HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn; trong đó có 16 người được bố trí chức vụ bí thư hoặc chủ tịch HĐND, UBND cấp xã; 27 người được bố trí làm phó chủ tịch; có người được bổ nhiệm phó chủ tịch HĐND huyện; một số người thì công tác ở các phòng ban chuyên môn cấp huyện và sở, ngành cấp tỉnh...

Có thể nói thời gian qua, công tác tạo nguồn đã đem lại kết quả nhất định. Trên 80% cán bộ được đào tạo tiếp tục phục vụ ở các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của tỉnh. Đa số học viên tốt nghiệp đều nâng cao nhận thức lý luận chính trị và thực tiễn, kịp thời bổ sung cán bộ, thay thế số cán bộ hạn chế về chuyên môn và quá lớn tuổi. Tuy nhiên trước đây, do công tác tuyển chọn đầu vào cộng với chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc ở cấp xã còn hạn chế nên chưa thực sự thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học và người có trình độ về xã công tác. Chính vì vậy, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo chức danh và việc tuyển chọn, đào tạo cán bộ nguồn cấp xã là vấn đề đặc biệt quan tâm và tăng cường.

- Tiếp tục thực hiện công tác này, được biết, Tỉnh ủy đang xem xét xây dựng kế hoạch tuyển chọn 200 cán bộ trẻ để đào tạo và đưa về làm cán bộ lãnh đạo cấp xã, cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- “Đề án tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và thống nhất chủ trương triển khai thực hiện. Mục tiêu của đề án là sẽ tuyển chọn 200 học viên, tổ chức thành 2 khóa đào tạo kế tiếp nhau, thời gian đào tạo là 1 năm/khóa. Dự kiến, khóa đầu tiên sẽ khai giảng vào đầu tháng 11-2011. Ứng viên tham gia đề án sau khi đào tạo phải đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính, am hiểu về hệ thống chính trị cơ sở, nắm vững các kỹ năng của cán bộ chủ chốt, theo từng chức danh bí thư, chủ tịch UBND xã; đồng thời đạt trình độ ngoại ngữ (Anh văn) mức tối thiểu IELTS 3.5 trở lên. Nếu đạt yêu cầu khóa học, sau khi ra trường được bố trí công tác về các xã, phường, thị trấn và sẽ được quy hoạch, bố trí, giới thiệu ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp xã.

-  Như vậy, những đối tượng nào sẽ được tuyển chọn?

- Theo đề án, đối tượng được tuyển chọn có thể chia thành 3 nhóm: Một là cán bộ, công chức đang công tác tại các xã, phường, thị trấn (kể cả cán bộ không chuyên trách); hai là công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh (kể cả diện hợp đồng); ba là sinh viên đã tốt nghiệp đại học.

Về tiêu chuẩn của các ứng viên: Tuổi đời không quá 25 tuổi (đối với nhóm đối tượng đang công tác), không quá 30 tuổi (đối với sinh viên tốt nghiệp đại học); có tư cách đạo đức và sức khỏe tốt; là đảng viên hoặc đoàn viên ưu tú; có lịch sử chính trị rõ ràng. Ưu tiên các đối tượng do cấp ủy xã cử; các ứng viên tốt nghiệp sau đại học, tốt nghiệp đại học chính quy công lập loại khá, giỏi; là đảng viên, nữ, cán bộ Đoàn, con gia đình chính sách. Đối tượng được tuyển chọn phải có hộ khẩu ở Bình Dương ít nhất 3 năm trở lên; cá nhân phải ký hợp đồng trách nhiệm, cam kết chấp hành sự phân công của cấp có thẩm quyền và làm việc ít nhất 5 năm liên tục kể từ sau khi hoàn thành khóa học.

Muốn biết thêm thông tin chi tiết nội dung của đề án, các bạn có thể liên hệ trực tiếp với phòng chuyên môn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc xem thông tin trên phương tiện thông tin báo, đài của tỉnh trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

ĐỖ TRƯỜNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên