Thành phố thông minh (TPTM) được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó tất cả các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng. Xây dựng TPTM dựa trên bốn nền tảng chính là phát triển con người, phát triển doanh nghiệp, phát triển các cơ sở hạ tầng, mối quan hệ giữa Nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp.
Từ tháng 3-2016, Bình Dương đã chính thức công bố khởi động Đề án TPTM Bình Dương. Xây dựng TPTM là chương trình chiến lược đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2021, tầm nhìn năm 2030.
Định hướng phát triển và xây dựng của Đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2016-2021 hướng tới 4 lĩnh vực, đó là: Con người, công nghệ; cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng và chất lượng sống của người dân.
Trong bối cảnh và cơ chế như hiện nay, việc xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh là rất mới mẻ, chưa có tiền lệ với nhiều cơ hội và cả thách thức; trong đó, nguồn nhân lực đang là một vấn đề thách thức lớn. Bởi vì phát triển nhân tố con người nhằm có những ý tưởng hay để ứng dụng vào thực tiễn, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình TPTM. Do vậy, trong quá trình xây dựng TPTM, Bình Dương tập trung vào hướng phát triển hệ thống giáo dục - nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút và kết nối thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật cao làm đòn bẩy cho các hạng mục đầu tư của tỉnh, đồng thời sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật để hình thành thêm nhiều địa bàn cư trú và làm việc tiện nghi, văn minh hiện đại cho người dân và doanh nghiệp.
Ba đối tượng chính được phục vụ trong TPTM là chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Trong đó, người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, thăng tiến, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội... Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin nơi chính quyền, bảo đảm phát triển thành phố bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí cho người dân.
Với một chiến lược nhất quán, nếu như Bình Dương lần lượt thực hiện các hành động cụ thể, hiệu quả và thiết thực, chia sẻ những lợi ích và mong muốn giữa các bên, tỉnh nhà hoàn toàn có thể mở ra một trang mới về kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; tiến lên một nền dịch vụ công nghiệp công nghệ cao và dần hướng tới trở thành đô thị đáng sống, đáng làm việc…
NHẬT HUY