90 năm ra đời, phát triển và trưởng thành, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc; khẳng định vị trí, vai trò, nhiệm vụ to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam trong tiến trình cách mạng, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ở Bình Dương, thời gian qua tổ chức công đoàn đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Nhiều phong trào thi đua được tổ chức đã tạo được khí thế mới và động lực cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động (NLĐ) cống hiến và đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh nhà. Cùng với việc tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, Công đoàn các cấp trong tỉnh đã tích cực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Với phương châm “hướng về cơ sở”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cơ sở tham gia với chính quyền thực hiện, giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách; đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống cho CBCCVC, NLĐ, đoàn viên công đoàn.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ, các cấp công đoàn chủ động tham gia cùng tổ chức Đảng, chính quyền, doanh nghiệp tìm việc làm và tạo điều kiện làm việc cho công nhân, viên chức và NLĐ; công đoàn tham gia trong lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng, quan tâm vấn đề nhà ở để NLĐ “an cư lập nghiệp”; ký hợp đồng lao động; đại diện công nhân, thỏa ước lao động tập thể; tham gia thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động… Song song đó, Công đoàn các cấp tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng lấy CBCCVC, NLĐ làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, tạo dựng sức mạnh của tổ chức công đoàn từ nền tảng sức mạnh của tập thể. Chú trọng công tác phát triển đoàn viên công đoàn; xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức công đoàn vững mạnh; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn để tổ chức công đoàn thực sự là tổ chức đại diện tin cậy của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ.
Như vậy, trong quá trình thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích của NLĐ, Nhà nước là người bảo đảm lợi ích, doanh nghiệp và NLĐ tạo ra lợi ích, công đoàn là người bảo vệ lợi ích. Đó là quan hệ biện chứng, khăng khít giữa quyền lợi và nghĩa vụ; đồng thời đó là cơ sở quan trọng để tổ chức công đoàn ngày càng gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân, NLĐ, thể hiện đúng bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới.
NHẬT HUY