Bài 2: Giải pháp nào?
> Bài 1: Xây đã khó, bán cũng khó!
Thị trường bất động sản gặp khó khăn là một nguyên nhân khiến cho mục tiêu phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tuy vậy, điều cốt yếu để phát triển NƠXH lại nằm ở cơ chế, chính sách. Dù hiện nay Chính phủ cũng đã có những chính sách ưu đãi trong lĩnh vực này nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp (DN) nhiệt tình tham gia đầu tư xây dựng…
“Kích cầu” đầu tư
Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp (26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động) với diện tích gần 10.000 ha và 8 cụm công nghiệp có diện tích gần 600 ha thu hút trên 15.000 DN trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Dân số của Bình Dương hiện tại khoảng 1,7 triệu người, trong đó có đến 800.000 lao động nhập cư từ các địa phương khác đến làm ăn, sinh sống. Chính vì thế, nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là NƠXH là rất lớn. Tuy nhu cầu cao nhưng việc kêu gọi các DN tham gia đầu tư phát triển NƠXH còn rất khó khăn. Các DN như Becamex IDC đầu tư, xây dựng NƠXH chủ yếu là nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, còn lại các DN khác không thật sự mặn mà. Từ thực tế này, ông Trần Khắc Thạch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhận định: “…Cơ chế chính sách ưu đãi đối với NƠXH hiện chưa thu hút, khuyến khích được DN tham gia đầu tư. Chẳng hạn, theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định định mức lợi nhuận từ các dự án NƠXH tối đa chỉ có 10%, thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm…”. Chính vì vậy, các DN kinh doanh nhà ở ngần ngại khi đầu tư xây dựng vì không có sự hấp dẫn về lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn lại quá dài. Theo đó, để có thể thu hút được DN vào lĩnh vực này, ông Thạch đề xuất, nên chăng xem xét cho các DN xây dựng NƠXH được tính định mức lợi nhuận từ 15 - 20%.
Để phát triển NƠXH, cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi, thu hút DN tham gia đầu tư xây dựng. Trong ảnh: Khu chung cư NƠXH Becamex Việt-Sing do Becamex IDC làm chủ đầu tư
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, để khuyến khích các DN, đối với các dự án NƠXH nên ưu tiên dành một phần dự án theo hình thức nhà ở thương mại hoặc đầu tư các công trình kinh doanh thương mại, chẳng hạn như tầng trệt ở các khu chung cư NƠXH, chủ đầu tư có thể bán như các dự án nhà ở thương mại…
Tạo quỹ đất, khơi thông nguồn vốn
Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý NƠXH Becamex IDC cho biết, trong các dự án NƠXH mà Becamex IDC triển khai chủ yếu vẫn được xây dựng trên phần đất sẵn có của công ty, tự đầu tư kinh phí để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Các khoản này, Becamex IDC vẫn chưa được hỗ trợ theo chính sách về NƠXH… Thực tế, Bình Dương cũng đã dành khoảng 100 ha quỹ đất sạch để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, vị trí các khu đất này lại khá xa với các khu, cụm công nghiệp, xa các vùng có tốc độ đô thị hóa mạnh, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên rất khó thu hút các DN tham gia đầu tư. Đơn cử như tại địa bàn TX.Dĩ An, nhu cầu về NƠXH là rất lớn nhưng quỹ đất hạn hẹp, rất khó để phát triển loại hình nhà ở này. Do vậy, cần phải có sự rà soát kế hoạch sử dụng đất, ban hành cơ chế tạo quỹ đất sạch; kiểm tra, thu hồi quỹ đất sử dụng lãng phí để quy hoạch xây dựng NƠXH. Song song đó, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ đầu tư về hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án NƠXH như giao thông, cấp điện, cấp thoát nước…
Một rào cản nữa hiện đang làm khó DN tham gia xây dựng NƠXH là khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, vừa qua do phải tập trung kiềm chế lạm phát, hậu quả của “bong bóng” bất động sản đã khiến Chính phủ phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, ảnh hưởng đến nguồn vốn vận hành vào quá trình xây dựng NƠXH. Các DN rất khó tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng. Không những thế việc quy định thời hạn thu hồi vốn đối với NƠXH tối thiểu là 20 năm là quá dài khiến cho các ngân hàng cũng khó có thể cho vay. Do vậy, cùng với việc thay đổi chính sách để khơi thông nguồn vốn vào lĩnh vực này, Nhà nước cũng cần có quy định cụ thể, phân bổ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các địa phương có nhu cầu xây dựng NƠXH. Đối với các địa phương có lượng dân số nhập cư đông như Bình Dương cũng cần thiết có một kế hoạch bố trí một phần nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư xây dựng NƠXH; tạo điều kiện để các DN đầu tư xây dựng NƠXH tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển của địa phương... (Còn tiếp)
Bổ sung đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở
Từ 15-11 sẽ bổ sung thêm đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở là chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân KCN, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đó là nội dung mới được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 18/2013/TT-BXD. Thông tư cũng quy định thêm trường hợp được xem như chưa có nhà ở khi đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: chưa có nhà ở nhưng đã có đất ở được cấp sổ đỏ; diện tích đất ở đó nhỏ hơn diện tích đất được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh. Trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình (có giấy chứng nhận kết hôn) và trường hợp ở nhờ nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú cùng với chủ hộ cũng thuộc đối tượng được vay vốn. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-11-2013; sửa đổi, bổ sung Thông tư 07/2013/TT-BXD.
THANH HỒNG
ĐÀM THANH