Việt Nam đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS

Cập nhật: 16-06-2018 | 22:04:29

Ngày 16-6, tại Bangkok (Thái Lan), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong lần thứ 8 (ACMECS 8). Hội nghị có sự tham dự của Chính phủ các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

 Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ACMECS kết nối và hội nhập”, ACMECS 8 đã tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng tính cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên và đề ra các định hướng hợp tác vì phát triển bao trùm và bền vững của khu vực Mekong.

Toàn cảnh hội nghị ACMECS lần thứ 8

Các nhà lãnh đạo nhận định khu vực Mekong có tiềm năng phát triển to lớn với thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực có năng lực và năng suất cao, vị trí địa kinh tế chiến lược kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và các thị trường châu Á. Tuy nhiên, các quốc gia Mekong cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ sự phục hồi chậm hơn dự báo của kinh tế thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, các vấn đề an ninh phi truyền thống như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai. Điều này đòi hỏi hợp tác ACMECS phải nâng cao hơn nữa hiệu quả nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên, đồng thời tăng cường sự phối hợp của ACMECS với các cơ chế khu vực và tiểu vùng khác.

Với nhận định như vậy, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Bangkok và Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019-2023 với mục tiêu đưa khu vực ACMECS trở thành một trung tâm kinh tế kết nối thông suốt và hội nhập mạnh mẽ. Kế hoạch tổng thể ACMECS được xây dựng nhằm tối ưu hóa cơ cấu hoạt động và tận dụng các tiềm năng kinh tế của ACMECS để tăng cường hội nhập vào chuỗi cung ứng và giá trị khu vực và toàn cầu. Các mục tiêu, chiến lược và hoạt động cụ thể của kế hoạch phản ánh tình hình thế giới và khu vực, ưu tiên và nhu cầu phát triển của các nước ACMECS và giúp giải quyết các thách thức chung của khu vực.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị cấp cao ACMECS 8, các nhà lãnh đạo đã thảo luận việc thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác ACMECS nhằm hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên trước mắt của các nước thành viên. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để hợp tác ACMECS có thể phát huy nội lực, đồng thời tạo cơ sở huy động sự tham gia của các đối tác phát triển vào cơ chế hợp tác giữa 5 nước này. Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Lần đầu tiên Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp ACMECS và đối thoại/ giao lưu giữa nguyên thủ và các CEO hàng đầu trong khu vực đã được tổ chức. Điều này cho thấy khu vực tư nhân sẽ là một đối tác quan trọng của hợp tác ACMECS trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS, cụ thể là Hợp tác ACMECS cần thúc đẩy phối hợp quan điểm trong hợp tác với các đối tác phát triển, đồng thời xây dựng tiếng nói chung về các vấn đề cần giải quyết, các ưu tiên hợp tác của tiểu vùng; cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng hơn việc huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác ACMECS thông qua các sáng kiến như Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS.

Thủ tướng cũng đề nghị cần nghiên cứu cách thức cải tiến cơ cấu hoạt động của ACMECS theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tính cả phương án kết hợp tổ chức hội nghị các cấp của ACMECS cùng dịp với các sự kiện của ASEAN và các cơ chế Mekong khác. Hợp tác ACMECS cần đóng góp trực tiếp hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN thông qua gắn kết việc triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và các chương trình hợp tác khác của ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất nhiều nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực kết nối giao thông, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên và phát triển nguồn nhân lực.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=345
Quay lên trên