Viết tiếp bài “Xung quanh đơn tố cáo của bà T. - có dấu hiệu lừa đảo gần 4 tỷ đồng”: Người vay tiền có thủ đoạn gian dối?

Cập nhật: 17-08-2010 | 00:00:00

Ngày 6-8, trên báo Bình Dương đã có bài viết phản ánh: ông M.,chủ Doanh nghiệp Tân Minh Tâm, trụ sở tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước vay của bà T., ngụ tại Mỹ Phước, Bến Cát gần 4 tỷ đồng nhưng không trả. Điều đáng nói, trước lúc vay ông M. cam kết “là sẽ thế chấp 2 sổ đỏ của mình”, nhưng khi giao sổ thế chấp thì sổ này lại do người khác đứng tên... Vậy hành vi của ông M. liệu có gian dối? Để tiếp tục làm rõ đơn tố cáo của bà T., phóng viên (P.V) đã trích lục hồ sơ có liên quan đến vụ án từ các cơ quan chức năng...

Phải nói rằng, dù nạn nhân trong vụ án này đã rõ ràng, nhưng quả thực đây là vụ án khá rối rắm! Vụ việc bắt đầu từ năm 2008; khi ông M. có nhu cầu vay tiền ở Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - chi nhánh Bình Dương nhưng do không có tài sản thế chấp nên bàn tính với bà L.N.Th. (ngụ tại Dầu Tiếng) đứng ra thế chấp 2 sổ đỏ cho ông M. để vay 3,5 tỷ đồng. Theo Hợp đồng tín dụng giữa NH và ông M. thì thời hạn trả nợ là vào tháng 9-2009. Còn theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa bà Th. với NH này thì bà Th. bảo lãnh cho ông M. vay; bằng 2 sổ đỏ số H928 do UBND huyện Dầu Tiếng cấp ngày 12-9-2007 và số H00682, cấp ngày 25-8-2005. Giá trị của 2 tài sản này (2 sổ đỏ) được định giá là 6,5 tỷ đồng. Tại khoản 1, điều 4 của hợp đồng thế chấp này đã nêu rõ: bên thế chấp có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ, lãi... thay cho bên vay khi đến hạn trả nợ mà bên vay không trả toàn bộ hoặc trả không đủ nợ cho NH. Cụ thể là: nếu ông M. không trả được nợ khi đáo hạn thì bà Th. phải trả. Và năm 2009, ông M. không có tiền trả nợ. Do đó vào ngày 28-8-2009, ông M. đã làm hợp đồng vay của bà T., ngụ ở TT. Mỹ Phước gần 4 tỷ đồng để trả nợ đáo hạn NH. Khi trả nợ cho NH xong, ông M. đã rút toàn bộ tài sản thế chấp của bà Th. ở NH để giao lại cho bà T. Nghĩa là, từ đây 2 sổ đỏ của bà Th. được ông M. thế chấp lại cho bà T.

  Hợp đồng thế chấp sổ đỏ của bà Th. và hợp đồng vay tiền của ông M.Mặc dù thời hạn trả nợ được ghi rõ trong hợp đồng, nhưng đến nay thì đã quá hạn mà ông M. vẫn không trả tiền cho bà T.; riêng bà Th. thì không thừa nhận trách nhiệm của mình trong vụ việc vay mượn này. Bà Th. cho rằng: chỉ bảo lãnh cho ông M. vay tiền ở NH chứ không hợp đồng bảo lãnh cho ông M. vay tiền của bà T. Còn ông M., theo lời bà T. thì ông ta khai rằng: bà Th. có liên quan đến số tiền mà ông ta vay mượn của bà T. và biết rõ tất cả sự việc, nên phải có trách nhiệm. Riêng bà T. cho rằng: lúc ông M. vay tiền của bà thì bà Th. có biết rõ và đã đồng ý thế chấp 2 sổ đỏ nói trên.

Qua vụ án này, vấn đề đặt ra là: trách nhiệm của bà Th. như thế nào? Bà Th. và ông M. có dấu hiệu lừa đảo hay không? Về lý mà nói, bà Th. chỉ làm hợp đồng thế chấp 2 sổ đỏ với NH để bảo lãnh cho ông M. vay tiền, nên hiện nay bà Th. cho rằng “không có trách nhiệm với bà T.”. Tuy nhiên, qua vụ việc này thì bà Th. là người phải có trách nhiệm đối với khoản tiền mà ông M. vay. Rõ ràng là ông M. không có tiền, không có tài sản nên bà Th. mới đứng ra thế chấp tài sản để bảo lãnh. Giữa họ có thể có mối quan hệ về huê lợi hoặc ràng buộc khác. Mà căn cứ theo hợp đồng thế chấp: khi ông M. không trả được nợ thì bà Th. buộc phải trả. Vậy đến nay thì bà Th. đã trả nợ thay cho ông M. chưa? Rõ ràng là chưa! Khoản nợ của ông M. may nhờ có bà T.cho vay tiền để trả đáo hạn cho NH. Bà Th. liệu có biết điều đó không? Rõ ràng là biết! Bà Th. cũng thừa biết việc ông M. đã đem sổ đỏ của mình để thế chấp cho bà T. Vậy mà vào ngày 20-3-2010, bà Th. lại làm thủ tục để đăng thông tin trên báo Bình Dương là “mất sổ đỏ” nhằm xin cấp lại sổ đỏ mới. Xét ra hành vi của bà Th. thế là không trung thực, là sai trái. Về phần ông M. khi làm hợp đồng vay tiền của bà T. thì ông ta hứa “sẽ thế chấp 2 sổ đỏ của mình” nhưng cuối cùng thì lại giao sổ của bà Th. cho bà T. Hành vi của ông M. cũng không trung thực, có dấu hiệu gian dối, nhằm mục đích vay cho được tiền.

Vụ án này đang gây xôn xao, do người bị hại mất số tiền khá lớn nên dư luận địa phương rất quan tâm theo dõi diễn tiến. Hiện một số luật sư ở Bình Dương và TP.HCM đã được nhờ tham gia vụ án. Được biết, hiện nay tòa án đang thụ lý vụ kiện của bà T. đối với ông M. Và trong phiên hòa giải ngày 9-8, phía luật sư của bà T. đã yêu cầu bà Th. phải có trách nhiệm cùng với ông M. để trả khoản tiền là hơn 4 tỷ đồng cho bà T. (tính cả lãi). Bà T. khẳng định: khi ông M. vay tiền của bà – có mặt bà Th. biết, chứng kiến và đồng ý để cho ông M. lấy 2 sổ đỏ từ NH đem ra thế chấp lại cho bà. Bà T. cho biết thêm: luật sư của bà ở TP.HCM cũng đang làm thủ tục chuyển vụ án này đề nghị xem xét ở tòa hình sự. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thông tin đến bạn đọc về kết quả xét xử vụ án này.

Luật sư Hoàng Thị Ngọc Thủy, Đoàn Luật sư Bình Dương: Có thể xem xét hành vi lừa đảo của người vay tiền

Tôi cho rằng, trong trường hợp này mặc dù người bảo lãnh không làm hợp đồng bảo lãnh với bà T., nhưng rõ ràng là bà Th. chưa trả tiền cho NH mà lẽ ra bà ta phải trả vì ông M. do không đủ khả năng trả nợ. Bà Th. chưa trả nợ cho NH, đương nhiên bà ta biết rõ tài sản thế chấp của mình chưa thể thu hồi lại được. Vậy mà bà Th. cho đăng báo rằng mất sổ... hành vi này là sai. Riêng người vay, theo tôi có thể xem xét  đến hành vi lừa đảo, bởi khi vay ông ta nói thế chấp sổ đỏ của mình nhưng cuối cùng lại giao sổ đỏ của người khác đứng tên là lừa dối.

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên