Xử lý nghiêm hành vi chống đối tại các chốt kiểm soát

Cập nhật: 31-08-2021 | 07:50:37

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông sau khi bị lực lượng chức năng yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và xuất trình giấy tờ khi qua chốt theo quy định thì quậy tưng. Hành vi của người đàn ông này đã gây bức xúc dư luận và yêu cầu xử lý nghiêm.

 Ông B. tháo khẩu trang và lên tiếng thách thức lực lượng chức năng khi được yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

 Trước đó, thực hiện công tác trên đường Huỳnh Văn Lũy, lực lượng công an yêu cầu người đàn ông đang điều khiển ô tô dừng lại để kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, ông Lâm Đình B. (SN 1990, ngụ tại KP.4, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) không xuất trình được giấy tờ đi đường và cho rằng ông “đi làm từ thiện nên không cần giấy tờ”. Sau đó ông B. bước xuống xe và không đeo khẩu trang.

Lực lượng chức năng giải thích thì ông B. không nghe và liên tục có những lời lẽ xúc phạm, chống đối tổ công tác. Ông B. còn lớn tiếng dọa sẽ “giết chiến sĩ cảnh sát cơ động và cả gia đình” của chiến sĩ. Nhận thấy hành động của ông B. quá hung hăng, lực lượng chức năng đã khống chế ông B. và đưa về phường để làm việc. Tại phường, ông B. đã nhận sai, sự việc đã được Công an phường Phú Hòa lập biên bản và chuyển về Công an TP.Thủ Dầu Một xử lý theo quy định.

Có thể nói, trong lúc địa phương đang thực hiện các biện pháp giãn cách để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 nhằm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, đa số người dân đều chấp hành tốt các quy định thì vẫn có một số cá nhân cố tình chống đối, cản trở các lực lượng chức năng đang thực thi công vụ tại các chốt kiểm soát, hành vi này cần phải xử lý nghiêm.

Là người xử lý nhiều vụ gây rối, chống đối tại chốt kiểm soát cầu Phú Cường, trung tá Hà Thanh Long, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông TP.Thủ Dầu Một, cho biết nhiều người vì muốn qua chốt nhưng thiếu các loại giấy tờ theo quy định nên đã có những hành vi vi phạm pháp luật rất đáng tiếc. Cụ thể như trường hợp ông Nguyễn Kim T. (ngụ TP.Thuận An) điều khiển xe ô tô đi từ TP.Thuận An qua TP.Thủ Dầu Một. Khi các cán bộ hỏi giấy đi công tác, ông T. không xuất trình được mà còn lớn tiếng cự cãi. Kết quả ông T. bị lập biên bản về lỗi vi phạm là không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Chốt kiểm soát cũng lập biên bản tạm giữ xe ô tô của ông T. theo quy định và bàn giao cho công an địa phương.

Trung tá Hà Thanh Long cho biết: “Gần 3 tháng qua, chốt kiểm soát cầu Phú Cường thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường của người và phương tiện qua chốt. Đa số người dân chấp hành tốt. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp gây rối, chống đối, những trường hợp này chúng tôi cố gắng giải thích, tuyên truyền thì họ càng làm tới. Dịch bệnh càng lúc càng nguy hiểm, các chiến sĩ cố gắng giữ sức khỏe, giữ khoảng cách an toàn trong tiếp xúc thì họ mở khẩu trang, tiến lại gần. Những trường hợp cố tình chống đối đã bị lực lượng lập biên bản và xử lý nghiêm theo quy định”.

Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Công ty Luật Becamex, cho biết đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi không chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chống người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ- CP. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 20: Đối với hành vi cản trở; xúi giục, lôi kéo; kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng đối với cá nhân (từ 4 triệu - 6 triệu đồng đối với tổ chức).

Theo quy định tại Điểm a, b Khoản 3 Điều 20: Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ hoặc gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đồng đối với cá nhân (từ 6 triệu - 10 triệu đồng đổi với tổ chức).

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hành vi trên còn có thể bị xử lý hình sự hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt tối đa có thể lên đến 7 năm tù.

 QUỲNH ANH - TÂM TRANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên