Đó là lời tự đáy lòng của những người bị tai nạn lao động (TNLĐ) đặc biệt nặng mà chúng tôi đã từng gặp. Có người bị liệt toàn thân, có người bị tàn phế cả hai cánh tay, không chủ động được trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng trong tâm trí họ, còn một chút sức lực cũng phải cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Thành tự làm những công việc hàng ngày
Học làm... Nguyễn Ngọc KýChúng tôi đến thăm nhà anh Võ Văn Thành (39 tuổi, xã Đông Hòa, Dĩ An), căn nhà nhỏ nhắn nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Mẹ anh Thành nói là do anh tự làm. Một người bị cụt cả hai cánh tay mà mọi công việc trong nhà đều có thể lo được, quả là đáng khâm phục. Gặp chúng tôi, anh Thành tâm sự, khoảng 2 năm trước, lúc đó anh Thành là một người khỏe mạnh bình thường, làm công nhân cho Công ty Uni - Eastern. Trong một lần đang làm việc, anh bị điện phóng làm bỏng toàn thân: “Lúc đó tưởng chết rồi chứ, anh em chạy đến xốc tôi dậy mà từng mảng da, thịt rớt xuống đất. Ở ngoài thì bỏng rát, ngứa ngáy khó chịu, còn bên trong xương tủy thì đau nhức ê ẩm, nhưng còn sống được là may rồi ” - anh Thành nói. Sau khi được điều trị, anh Thành bị cụt cả hai bàn tay, đầu và phần thân bị bỏng nặng, các vết sẹo còn loang lổ. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của anh phải dựa vào người mẹ già, vợ và 2 con gái nhỏ.
Từ một người khỏe mạnh, trở thành một phế nhân, tưởng như cuộc sống đối với anh đã đặt dấu chấm hết. Nhưng chính vì sự động viên, an ủi của người thân, gia đình, bạn bè, anh đã cố gắng vượt qua những cơn đau để tồn tại. Anh bắt đầu tập làm bằng chân và hai khuỷu tay còn lại. Một thời gian sau, những cố gắng của anh Thành đã được đền đáp. Từ những việc trong sinh hoạt hàng ngày, hay đến những việc như nấu ăn, quét dọn nhà cửa... anh đều tự làm được. Hôm gặp chúng tôi, anh khoe mới đóng xong cái chuồng để nuôi gà, anh cười và nói: “Hì hục mất gần 4 giờ mới xong”. Mong muốn lớn nhất của anh Thành bây giờ là làm sao để phụ giúp cho vợ anh để nuôi 2 con nhỏ học hành đến nơi đến chốn và chăm sóc người mẹ già, bằng chút sức lực còn lại của mình. Còn riêng anh: “Số phận thì đành chịu, tôi không có gì phiền muộn, còn chút sức lực nào tôi cũng phải cố gắng vươn lên”.
Theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh. Mỗi năm, Bình Dương xảy ra hàng chục vụ TNLĐ, chủ yếu là do điện giật, ngã cao, vật nặng đè, máy cuốn... Nhiều trường hợp bị TNLĐ nhưng không được hưởng đúng chế độ do lúc đi làm nhờ người khác đứng tên, làm hồ sơ giả. Hầu hết người bị TNLĐ có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc ở xa quê, không có người thân chăm sóc. Hàng năm và các ngày lễ tết, công đoàn các cấp đều phối hợp với doanh nghiệp để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người bị nạn.
Sống bằng nghị lựcMới chừng 18 tuổi, cô thôn nữ Lê Thị Hà (22, tuổi quê Bắc Giang, hiện ở huyện Dĩ An) vào Nam để làm công nhân. Tưởng chừng cô sẽ tìm được một tương lai tốt đẹp, nhưng thật bất hạnh! Cô bị TNLĐ trong trường hợp bị máy cưa cắt đứt bàn tay phải. Những tưởng, y học tiên tiến như bây giờ sẽ nối lại được bàn tay cho cô. Thế nhưng, sau khi bệnh viện nối thành công bàn tay thì một thời gian sau, cô lại bị nhiễm trùng và phải tháo bỏ bàn tay. Đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, nhiều đêm Hà chỉ biết khóc. Một mình nơi đất khách quê người, nhiều lúc Hà suy nghĩ, không lẽ bây giờ lại trở về quê với một bàn tay. Được sự quan tâm của công ty và các cấp công đoàn, bạn bè, Hà được đưa đi lắp bàn tay giả. Cô đã được công ty cũ nhận vào làm và vẫn giữ nguyên mức lương. Hiện giờ, Hà vẫn đi làm như người bình thường với mức thu nhập khoảng gần 3 triệu đồng/tháng. Mẹ của Hà vẫn sống ở quê cùng với đứa em trai nhỏ. Cuộc sống về vật chất có thể tạm ổn, nhưng khi gặp chúng tôi Hà cứ khóc mãi: “Thương mẹ và em nhiều lắm nhưng không biết làm gì hơn, em còn trẻ mà đã bị tàn phế, không giúp gì cho mẹ được nhiều. Rồi mai đây chuyện chồng con sẽ không biết như thế nào?”.
Cũng đang ở tuổi thanh niên trai tráng, anh Trần Đức Hải (29 tuổi, xã Bình Hòa, Thuận An) lại phải nằm liệt giường, không tự chủ được trong sinh hoạt hàng ngày, tất cả phải nhờ vả vào người mẹ già và em trai. Trong lần đi sửa chữa đường dây điện, anh bị ngã từ trên cao xuống đất, chấn thương cột sống dẫn đến liệt toàn thân. Tuy không thể đi làm việc lại như Lê Thị Hà, nhưng hàng ngày, dù khó khăn vất vả, Hải vẫn cố gắng cử động chân tay để tránh bị teo cơ và một chút hy vọng mong manh, Hải khóc và nói: “Làm sao mình có thể cử động, để có thể làm được việc gì đấy giúp cho gia đình”. Nhà nghèo, nhưng gia đình vẫn chạy vạy để đưa Hải đi chữa trị hòng nhen nhóm một chút hy vọng cho Hải.
Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình vẫn rộng cánh cửa và là nơi cho những người có hoàn cảnh bất hạnh trở về, là điểm tựa vững chắc và cuối cùng của họ. Ở những hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” những con người ấy vẫn mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, cố gắng vươn lên bằng chính nghị lực của mình.
ĐỖ TRƯỜNG