“Đời thường” của quốc hoa

Cập nhật: 19-07-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Hoa không chỉ là... hoa

Hình ảnh những cánh hoa sen hồng rực rỡ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” là biểu tượng đẹp cho phẩm chất con người Việt Nam. Hết thảy cây sen, từ hoa, lá cho đến ngó, gương, hạt... đều có thể dùng làm các món ăn, vị thuốc. Bởi thế, nói hoa sen không chỉ là hoa đơn thuần vừa đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tự hào quốc hoa

Đầu tháng 4-2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đã ủy nhiệm cho 3 đơn vị: Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật và triển lãm, Cục Văn hóa thông tin cơ sở tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân và bầu chọn quốc hoa của Việt Nam.

  Sen và các sản phẩm từ sen ngàn đời nay gắn bó với người Việt

Hơn 1 năm bình chọn từ Bắc vào Nam, sen hồng luôn dẫn đầu về số phiếu. Tối 12-6 tại Công viên 23-9, TP.HCM diễn ra lễ tổng kết cuộc bình chọn quốc hoa Việt Nam. Cuộc bình chọn do Bộ VH, TT&DL phối hợp UBND TP.HCM tổ chức. Từ ngày 9-6, cuộc bình chọn không chỉ lấy ý kiến của người dân tham gia triển lãm Sắc hoa Việt ở Công viên 23-9, TP.HCM mà Ban tổ chức còn phát khoảng 60.000 phiếu bình chọn ở các quận, huyện và 15 trường đại học, cao đẳng. Kết quả, hoa sen hồng có số phiếu cao nhất với hơn 50.000 phiếu bình chọn, chiếm hơn 70% tổng số phiếu. Từ nay, bên cạnh simpor (Brunei), rumdul (Campuchia), bunga raya (Malaysia), hoa hồng (Bungari); sen hồng - đã là quốc hoa của Việt Nam. Xuất phát từ nhiều ý niệm khác nhau, nhưng ý nghĩa về sen chỉ có một: thanh cao, thuần khiết. Một nhánh nhỏ mọc từ bùn lên, sen vươn mình trên mặt nước. Bao quanh toàn bùn đất, sình lầy, nhưng sen vẫn rạng ngời và ngát hương thơm. Từng cánh sen ửng hồng, khép nép rồi rộ nở.

Sen có mặt khắp nơi trong đời sống người Việt. Sen đi vào ca dao, tục ngữ rồi đi vào cả trong tâm thức lẫn tâm linh của người Việt. Trong mỗi làng quê đất Việt, ao sen gần như là hình ảnh bất di bất dịch, in đậm vào dấu ấn tuổi thơ của từng người. Tôi may mắn lớn lên bên cạnh một ao sen rộng nhất huyện. Ngày ngày, mở tung cánh cửa rộng, sắc xanh của lá sen bạt ngàn chao nghiêng lúng liếng ngút ngàn tầm mắt, sắc hồng của sen chấm phá như một bức tranh thủy mặc cổ điển. Đẹp lạ lùng! Ngày rằm hay mùng một nào cũng thế, khi là mẹ, khi là cha, khi là anh em tôi... đều tự tay đi hái từng hoa sen về cắm lên bàn thờ gia tiên để tưởng nhớ đến ông bà. Tôi với bọn trẻ trong xóm mê cái ao sen rộng. Cứ chực cho sen nở rồi hái tặng cô giáo ngày 20-11. Sen chín, hái về đập ra rồi bỏ vào nồi nấu chè. Nồi chè thơm phưng phức, cả bọn hè nhau chúi đầu vào húp xì xụp.

Sau này, vào Bình Dương lập nghiệp, vợ chồng tôi vẫn giữ thói quen của ba mẹ lúc còn ở quê. Dăm bữa, nửa tháng lại chạy ra chợ Bình Dương, dừng chân ở chùa Bà mua vài hoa sen về để tưởng nhớ tổ tiên. Vui là, vợ chồng tôi không phải những trường hợp cá biệt. Bởi ngày nào ở đây cũng tấp nập người mua, kẻ bán... hoa sen. Mới nghiệm ra rằng, hoa sen đi vào thế giới tâm linh của người Việt, trở thành một nét văn hóa bình dị của cả một dân tộc.

Bách phẩm từ sen

Ngoài hoa, nhiều bộ phận khác như ngó, lá, gương, hạt... được dùng để làm các món ăn, vị thuốc. Nhiều món ăn làm từ sen đã đi vào đời sống ẩm thực của dân gian. Gỏi ngó sen, kim chi củ sen, xôi lá sen, cơm hấp lá sen, ngó sen xào tôm tươi, canh củ sen hầm giò heo, canh ngó sen, chè sen... luôn là những món ăn được bán nhiều nhất tại các nhà hàng. Ngó sen có thể chế biến thành nhiều món ăn, trong đó có canh ngó sen, gỏi ngó sen, nước ép ngó sen... Củ sen cũng là một nguyên liệu thường được dùng trong các món tiềm, hầm... Gương sen được dùng để nấu cháo, làm trà uống... Hạt sen làm chè, nấu và hấp các món cá, tôm... Hoa sen được dùng làm trà. Phần lớn các món ăn làm từ sen đều mát và tốt cho sức khỏe. Từ những năm 2000, một số hộ nông dân ở xã Bình Mỹ, Củ Chi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sen TP.HCM và Bình Dương tăng cao, nên họ đã không ngần ngại chuyển đổi canh tác từ trồng lúa sang trồng sen ở những vùng đồng trũng. Bà Nguyễn Thị Út, cùng ấp với ông Trực cho biết: “Nhà tôi trồng 2 ha sen hồng, trung bình mỗi tháng thu được khoảng trên dưới 10 triệu đồng”. Cũng theo lời bà Út, quy trình trồng sen không mấy khó khăn, thời gian chờ thu hoạch cũng không lâu. Nhưng lợi nhuận từ cây sen thì quả là không kể hết: “Từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ mất 3 tháng, nhưng các phần của sen từ rễ đến lá, thứ nào cũng bán được”.

 Mang chuỗi hạt sen bán dạo trên phố   Hoa sen hồng tự hào là quốc hoa Việt Nam

Ngoài việc chế biến các món ăn, các sản phẩm của sen còn được dùng làm thuốc. Bác sĩ Trần Thanh Sơn - Trưởng khoa y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết: “Hết thảy cây sen từ rễ đến lá đều được dùng làm vị thuốc”. Hiện nay, chỉ tính riêng tại đây đã có hàng chục vị thuốc khác nhau từ sen. Hương vị thanh mát của món chè sen trong những ngày hè oi bức hay trà tim sen trị chứng mất ngủ, giúp giải nhiệt và có tác dụng hạ huyết áp... Hầu như tất cả các bộ phận của cây sen đều là những thực phẩm hữu ích và còn là những bài thuốc dân gian bổ dưỡng cho sức khỏe con người. Từ ngó sen mọc ngập trong bùn thường được chế biến thành món gỏi nổi tiếng, có tác dụng cầm máu, bổ huyết. Lá sen ngoài việc dùng để gói cốm, xôi, còn có nhiều công dụng chữa bệnh. Đặc biệt, sen còn là một nguyên liệu không thể thiếu của lối chơi phong nhã: ướp trà sen. Uống trà sen không chỉ để giải khát mà còn là phương thuốc để giải nhiệt.

Ngoài những bài thuốc dân gian, ở cấp độ cao hơn là thuốc Bắc, bác sĩ Sơn cho biết thêm về các tác dụng của sen: “Ngó sen được gọi là liên ngẫu, có công dụng làm thuốc cầm máu. Hạt sen (thạch liên tử, liên nhục) được dùng làm thuốc bổ, chữa bệnh lỵ, di tinh, mất ngủ... Ngoài ra còn có: tua nhị đực (liên tu) có công dụng chữa bệnh băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh..., gương sen (liên phòng), lá sen (hà diệp) thường dùng để cầm máu, chữa bệnh băng huyết...”. Nghe xong phần giải thích của bác sĩ Sơn, chúng tôi càng thấm thía câu: “Sen không chỉ là hoa” - lời của bác sĩ Sơn.

Sen từ quê lên phố thị

Bây giờ, sen không chỉ là hoa để cúng hay chỉ đơn thuần là vị thuốc chữa bệnh nữa. Mà giờ, hoa sen đã trở thành loài hoa gắn bó và gần gũi với các nhà hàng, khách sạn, tụ điểm vui chơi giải trí. Chúng tôi đến xã Tương Bình Hiệp, nơi xưa kia có nhiều nhà trồng sen thấy anh Nguyễn Đức Chính, ở ấp 3, loay hoay... mò bùn dưới đầm. Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh Chính ngụp sâu xuống đáy hồ rồi ôm một thau bùn lên cười xòa: “Tôi mê sen từ nhỏ, hoa sen đẹp quá nhưng không có diện tích đất để đào hồ trồng. Vừa rồi qua nhà anh bạn bên Củ Chi thấy ổng bỏ bùn vào lu trồng sen rất đẹp nên bắt chước. Đi mãi, mới thấy ở đây có trồng sen, có sẵn bùn, liền lội xuống mà hốt bùn về trồng”. Đi thêm vài km, sang ấp Mỹ Hảo II, xã Bình Mỹ lại thấy một nhóm 3 anh công nhân đang hì hục vét bùn bỏ vào bao rồi cho lên xe tải mà chở về Công ty Lê Tân. Các anh vui vẻ cho biết: “Chúng tôi lấy bùn ở đây hoài. Khu vực này trước trồng sen nhưng giờ người ta giải tỏa để lập khu dân cư, bọn tôi chở bùn về cho công ty trồng sen bán cho khách”.

Hóa ra, sen giờ không chỉ được trồng để bán hoa, lấy lá, lấy rễ... mà còn trở thành thứ cây hoa cảnh quen thuộc để những người yêu sen dễ dàng mang về trồng trong nhà. Theo đại diện của công ty làm vườn Lê Tân, mỗi chậu hoa sen trưởng thành, công ty bán ra với giá 170.000 đồng. Hoa sen trồng trong chậu bùn tuy mới là sản phẩm được công ty thiết kế rồi trồng bán trong hơn 1 năm nay nhưng đã được rất nhiều người hỏi mua, trồng ra bao nhiêu thì cung ứng cho khách hết bấy nhiêu.

Giữa trưa hè nóng gắt, ghé sang quán cà phê Villa, bước vào cổng đã thấy một màu xanh tươi non của sen. Làm một ngụm trà sen thơm mát, cười khà trước thế sự, thấy lòng mình thanh thản vô cùng. Khi ra về, còn nghe quản lý của quán dặn với theo: “Vài hôm nữa ghé quán vào buổi sáng nhé! Có một cây sen mới ra nụ sắp nở hoa kìa. Ngắm hoa rồi uống trà sen mới sướng!”. Lại thấy một nhóm bạn cười đùa, tranh nhau chụp ảnh với nụ hoa sen bé tí ti, chợt nhớ đến câu thơ của Nguyên Sa: “Vẫn hỏi mình hương cốm / Chả biết tay ai làm lá sen”.

Lá sen là loại có tán rộng, nhưng dường như, sự to lớn ấy chẳng thể che lấp vẻ rực rỡ của những sắc hồng đang đu đưa. Tựa như những nét chấm phá trong bức tranh được bao phủ bởi cả màu xanh của thiên nhiên, hoa sen hòa quyện, tạo nên một sức hút mê đắm lòng người. Đi giữa phố thị, nhìn sen nhớ đến miền quê nhà xa lơ lắc, nhớ đến những con người chân quê, chất phác quanh năm lam lũ với bùn non mà lòng thì ngời sáng, luôn vun vén những điều tốt đẹp cho cuộc sống này.

KHÁNH VINH - ĐÌNH THẮNG

Kỳ 2: Sen lên chùa, sen đi vào tâm thức

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=435
Quay lên trên