“Đóng vai” ba mẹ trong mùa Vu lan...

Cập nhật: 11-08-2011 | 00:00:00

Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi và người già cô đơn Bồ Đề (5/1 ấp Bình Phước B, Bình Chuẩn, TX.Thuận An) những ngày đầu tháng 7 âm lịch, mùa Vu lan luôn rộn tiếng cười đùa. Những đứa trẻ cười nắc nẻ trên lưng “ba” đang cúi khom làm ngựa cho “con” chơi. Nơi góc phòng có bé được “mẹ” chỉ cách vẽ con vịt, bông hoa, ông mặt trời...

  Các bé tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ  mồ côi Bồ Đề

Một ngày có... “ba mẹ”!

Lẩn trong đám đông những tình nguyện viên và trẻ em mồ côi hôm đó, bỗng dưng tôi nghe mắt mình cay cay bởi, lẽ ra, đó là niềm hạnh phúc mà các em được đón nhận hàng ngày với ba mẹ của mình chứ không phải đợi đến Vu lan hay lâu lâu mới được đón nhận một lần như thế.

Bé Chí Phước, 5 tuổi, đến với trung tâm khi còn là đứa trẻ sơ sinh bị bỏ trước cổng chùa đang cưỡi lên lưng “ba” và nhất định không chịu xuống dù tôi năn nỉ bé: “Cho chú nghỉ chút con, cô cần hỏi chuyện chú này!”. Nét mặt tươi tắn, hồn nhiên với nụ cười thường trực, Chí Phước vẫn ngồi trên vai anh chàng sinh viên tình nguyện và một tay... vẫy chào, một tay nắm tóc “cho chắc ăn, khỏi té”. Người đóng vai “ba” có vẻ mệt, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại nhưng vẫn ráng. Em vẫn chiều cậu bé và cứ để nguyên bé trên vai như thế trong suốt câu chuyện với tôi.

“Chúng mình cùng học nhé, cùng vẽ nhé”. Những cây bút, quyển vở được xé ra từng trang chia cho các bé. Những chữ cái đầu tiên “mẹ” dạy cho con. Những con thú ngộ nghĩnh dần dần hình thành dưới những đôi tay lựng khựng của cả “mẹ” và bé. Thỉnh thoảng lại những tiếng cười rộ lên khi bức hình được vẽ xong hay một nét chữ ngoằn ngoèo được các bé viết ra. Tất cả các bé đều vui tươi, phấn khởi vô cùng khi được vui chơi như thế.

Tôi để ý thấy Trí Lực, một cậu bé hàng ngày mấy ni cô chăm sóc trẻ ở chùa rất... sợ, bởi sự... lì lợm, bất hợp tác của nó. Trí Lực có luôn biệt danh là “cu Lỳ” bởi em rất ít nói, thường lặng lẽ, ẩn mình ở một góc phòng với ánh mắt buồn xo. Cậu bé “lì” đến mức, bị la, mắng không hề khóc một tiếng nào. Chơi đùa thì toàn “đánh bạn, không ai dám chơi chung”. Ấy vậy mà hôm đó, Trí Lực đã vui vẻ cùng chơi chung với một nhóm “ba, mẹ”. Cậu bé cười tươi, nét mặt không “đăm chiêu tư lự” như kiểu tôi chứng kiến trong những ngày khác nữa. Tôi ấn tượng với bé Trí Lực như thế là bởi, ngày thường, đến đây thăm, nhiều cô “đau đầu” với bé này. Cô Từ Thảo, trụ trì chùa Bồ Đề từng tâm sự rằng, với một tâm hồn quá nặng nề như thế, một gương mặt rất buồn như thế, cô lo bé bị trầm cảm. Cô còn hỏi ý kiến những chuyên gia tâm lý để làm sao cho bé... khóc, cười hồn nhiên, vô tư như những trẻ khác.

Chân dung những tình nguyện viên

Ngày đến với trung tâm mồ côi cũng là ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Đây là một ngày “mở hội” thực sự không chỉ với phật tử gần xa mà cho cả những người ở trung tâm. Các Mạnh Thường Quân tự nguyện đóng góp để nấu gần 30 món chay cho bữa tiệc đứng được tổ chức trong sân chùa. Rất nhiều thanh niên thành thạo chuẩn bị món tráng miệng khá sạch sẽ, tinh tươm và rất hấp dẫn với chè, bánh dẻo, bánh nướng... Đó là những “người cha” đem đến “bữa ăn ngon hơn, nhiều món hơn cho các bé tha hồ lựa chọn theo sở thích của mình”.

Những người tình nguyện “đóng vai” ba mẹ trong hôm đó hầu hết là những bạn sinh viên tại trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương (Bình Hòa, TX.Thuận An). Các bạn lần đầu đến với trung tâm và “nhập vai” khá tốt. Nguyễn Văn Thiết là người được bé Chí Phước “kết” nhất nên không chịu rời mà cứ bắt “ba” nhong nhong nhong phi ngựa mãi. Thiết kể, em quê ở Thanh Hóa, vào Bình Dương từ năm 2005 đến nay. Trong 6 năm qua, Thiết làm công nhân, nhân viên dịch vụ để kiếm sống. Và để cuộc sống bớt nhọc nhằn, năm nay em nộp đơn xét tuyển vào học trường Trung cấp Công nghiệp Bình Dương. Hy vọng của Thiết là có công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn sau khi học xong. Nụ cười rất thân thiện, Thiết cho biết hôm nay là một ngày rất có ý nghĩa với em. Đem lại chút niềm vui cho trẻ như thế, em thấy mình cũng hạnh phúc theo.

  Cùng nhau tổ chức một bữa tiệc tại trung tâm

Cô sinh viên Lê Mai Trúc Ly cũng được nhiều đứa “con” vây quanh. Trúc Ly quê Đà Nẵng, hiện cô vừa đi làm tại Công ty Hansoll Vina ở Khu công nghiệp Sóng Thần vừa đi học. Cô bày khá nhiều trò cho các bé ở đây và cho rằng những hoạt động thiện nguyện như thế này thật sự bổ ích. Mình may mắn hơn các em nhiều vì có ba mẹ nên thấy rất thương các em ở đây. Cũng theo Trúc Ly, những nữ công nhân đến đây có thể còn có thêm... bài học cho mình về cách sống, về sự nghiêm túc hơn trong tình yêu, hôn nhân cũng như trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ. Anh Lê Ngọc Nam, Phó Bí thư Đoàn trường cũng cho rằng, 15 sinh viên đến với trung tâm hôm đó đều hào hứng, phấn khởi và nhiệt tình khi chơi chung với các em. Đây là một trong những hoạt động xã hội, vì cộng đồng hữu ích và các bạn rất thích được cùng ăn, ở, vui chơi với trẻ em mồ côi, giúp các bé bớt tủi thân khi không có người thân bên cạnh.

  Nhong nhong nhong "ba" làm con ngựa

Hiện trung tâm có hơn 50 trẻ mồ côi từ sơ sinh đến 13 tuổi. Sư cô Thích nữ Từ Thảo, Trụ trì chùa Bồ Đề, Giám đốc trung tâm từng tâm sự với người viết rằng, để duy trì hoạt động cho trung tâm nuôi trẻ mồ côi này là việc làm hết sức khó khăn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Về vật chất, có thể còn đỡ hơn bởi cô có thể vận động các Mạnh Thường Quân, tự tạo nguồn kinh phí của chùa (bốc thuốc nam, bán đĩa kinh, sách...) hoặc phật tử đến chùa cúng dường nhưng “vận động tình thương” thì càng khó. Các cháu ở đây cần một tình yêu bao la, một tấm lòng rộng mở để hòa nhập với cộng đồng. Làm sao để các cháu không thấy tự ti, mặc cảm trong cuộc sống thiếu mẹ thiếu cha của mình là điều rất khó. Thế nên, chùa hay tổ chức các hoạt động thiện nguyện để học sinh, sinh viên và những ai yêu thương trẻ đến đây chơi với các cháu.

Cô Thảo nói: “Bản thân tôi cùng những ni sư ở chùa đôi khi cũng... sượng trân mặt trước ánh nhìn của các nhân viên tại siêu thị. Bởi, các cháu ở trung tâm vẫn được ăn mặn để bảo đảm đủ chất. Chùa và trung tâm mồ côi ở 2 khu vực biệt lập hẳn nhau, có hai nhà bếp riêng. Thỉnh thoảng, tôi cùng vài cô trong chùa đến siêu thị mua... cá viên chiên, bò viên chiên và những món mặn trẻ con ưa thích. Thế là từ khi chọn hàng, tính tiền cho đến khi đẩy xe thực phẩm ra, chúng tôi “nhận” khá nhiều ánh mắt xét nét rằng ni cô mua đồ... mặn! Nhưng không lẽ tự phân trần rằng tôi mua cho trẻ mồ côi. Thôi kệ, việc mình làm mình biết vậy”. Nói thế để thấy rằng, có nhiều nữ công nhân cũng tâm tình với tôi rằng họ rất muốn đến đây chơi với trẻ,“đóng vai làm mẹ” các bé bởi “nghe đâu toàn là con của nữ công nhân... lỡ dại bỏ lại chùa”. Nhưng họ cũng “hơi hơi ái ngại” và thực tế cũng có ít thời gian rảnh.

 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=521
Quay lên trên