"Ghi chức danh trên thiệp cưới là lời nhắc nhở, khiến người nhận phải hiểu rằng việc đến dự không những là bắt buộc mà phong bì mừng cũng phải tương đối khá", ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội trao đổi với chúng tôi:
>>> Bài học về lối sống
>>> Cán bộ in chức danh lên thiệp cưới con trai- Ông bình luận gì về việc tên ông Nguyễn Hùng Dũng xuất hiện trên thiệp cưới của con cùng chức danh Phó ban Phòng chống tham nhũng thành phố Cần Thơ?
- Tôi cảm thấy buồn cười vì việc làm này. Cưới xin ma chay là việc riêng, trên thiệp cưới của con chỉ đề tên cô dâu, chú rể và tên bố mẹ của cặp đôi. Ghi chức vụ trên bao thiệp mời là chuyện không bình thường, thậm chí, nếu nặng lời thì có thể gọi là lố bịch. Trong trường hợp ghi chức danh "nhạy cảm" như Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì người nhận được thiệp chắc chắn không tránh khỏi cảm giác bị áp lực. Vì đó là lời nhắc nhở khiến người nhận thiệp phải hiểu rằng việc đến dự không những là bắt buộc mà phong bì mừng cưới cũng phải tương đối khá.
Ông Nguyễn Minh Thuyết: "Không ai người ta khoe chức vụ của mình hay của cô dâu, chú rể cả". Còn bảo là mới về nhận công tác, sợ người được mời không biết ông Dũng nào thì lời giải thích ấy rất khó chấp nhận. Người mà chủ nhân mời dự cưới con thông thường phải là người thân, lẫn làm sao được! Còn nếu không thân thì mời người ta làm gì? Theo tôi, trong trường hợp này, trước hết là chi bộ, rồi đến các cấp quản lý ông Dũng cần làm rõ động cơ của ông Dũng và làm rõ việc nhận tiền mừng ở đám cưới này như thế nào. Một người bình thường nhìn vào cũng thấy có biểu hiện trục lợi.
- Chính phủ đã có quy chế về tổ chức việc cưới, nhưng nhiều đám cưới con em quan chức vẫn được tổ chức rất linh đình. Ông nhìn nhận thế nào về hiện trạng này?
- Hiện tượng “thu hoạch” qua cưới hỏi, lễ tết phổ biến ở nước ta từ lâu. Một số cán bộ có chức có quyền tranh thủ thu lợi trong những dịp này. Tôi biết có cả trường hợp cán bộ có bố, mẹ ở quê, cũng không thường xuyên quan tâm đến cụ, nhưng cứ gần Tết là đưa cụ ra ngồi ở nhà mình để người ta đến thăm, mừng tuổi… Những chuyện trục lợi như thế không hiếm nhưng làm đến mức như ông Dũng là cá biệt. Thứ nhất là đám cưới to quá, thứ hai là đề cả chức vụ của mình lên thiệp cưới thì đúng là… kỳ.
Chính phủ đã có quy chế về tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm đối với cán bộ, công chức. Nếu cán bộ vi phạm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định trong quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật. Chính vì vậy, một số địa phương như Thanh Hóa đã ra chỉ thị giới hạn số mâm cưới, cán bộ không dám tổ chức đám cưới to.
- Nhưng thưa ông, với cán bộ công tác lâu năm, có nhiều mối quan hệ, hạn chế số lượng khách mời liệu có bó buộc khi gia chủ thực sự có ý chia vui với bạn bè?- Quan điểm của tôi là việc hỷ chỉ nên giới hạn trong phạm vi hẹp thì mới thật là vui. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, cán bộ làm đám cưới to cho con em là không phù hợp, nếu không muốn nói là làm phiền người khác. Nhiều khi người ta nhận được cái thiệp mời mà tái cả mặt, nhất là người làm công ăn lương, không có chỗ nào "cơi nới". Đi ăn cưới chỉ vài đám có khi hết cả tháng lương.
Nhiều năm sống ở châu Âu, tôi dự đám cưới của bạn bè, thấy họ mời khách trong phạm vi hẹp, chỉ vài chục người. Mọi người ngồi với nhau ăn uống nhảy múa rất vui chứ không tràn lan như ở ta, mất hết cả vui.
Còn đối với việc tang, ở nước ta phong tục khá hay là nghe tin thì tự động đến chia buồn nhưng châu Âu ngược lại, có mời mới đến và cũng chỉ người thân được mời. Người Âu tuy giàu nhưng tổ chức việc cưới, việc tang thiết thực hơn mình, không bày vẽ để khổ người mời và người được mời.
Tôi cho rằng Chính phủ cần có quy định nghiêm khắc hơn nữa về tổ chức hiếu, hỉ. Đây sẽ là cơ hội để giải thoát mọi người khỏi những phiền phức không đáng có.
- Cá nhân ông, khi tổ chức hôn lễ cho con mình, những thông tin ghi trên thiệp cưới như thế nào?
- Hai con tôi, mới có một cháu lập gia đình, nhưng cháu làm việc ở Singapore, không xin nghỉ được lâu, nên cũng cưới bên đó cho tiện. Cháu chỉ mời một số bạn bè thân đang học tập, làm việc bên đó. Gia đình hai bên có một số đại diện sang tổ chức cho các cháu. Ở nhà, chúng tôi chỉ gửi thiệp báo hỉ, kể cả anh em họ hàng, để khỏi làm phiền mọi người. Dĩ nhiên, tôi không đến mức ghi chức tước, học hàm, học vị gì. Thiệp gửi các cụ trong họ ghi như thế các cụ mắng cho.
Nếu con trai thứ hai của tôi cưới thì tôi cũng sẽ bàn với cháu chỉ mời những người rất thân thiết để có thể ngồi với nhau được lâu, chứ không có ý định mời nhiều, loãng, đến ngồi một tý rồi nhanh nhanh chóng chóng về thì mất cả vui.
- Qua chuyện của ông Nguyễn Hùng Dũng, theo ông, các cán bộ cần rút kinh nghiệm gì?
- Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo, phải làm gương cho dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực thi nếp sống liêm khiết. Dù tổ chức theo hình thức nào cũng tránh để người khác nghĩ sai về mình. Người xưa từng nói: “Đi qua ruộng dưa chớ sửa giày”, trong nhiều trường hợp, có thể anh vô tình nhưng người ta có quyền nghi ngờ anh.
Cán bộ có chức quyền càng cần thực sự gương mẫu, không nên coi dịp vui của gia đình mình là dịp để hái lộc. Tôi xin kể thêm một chuyện để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc. Cuối năm 2009, tôi nhận được thiệp báo hỉ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi ấy là Chủ tịch Quốc hội). Do không để ý đó là thiệp bảo hỉ, mở ra thấy đã qua ngày cưới của con trai ông, mà tự nghĩ mình không phải là người xa lạ gì với Chủ tịch vì làm việc trong Tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng XI, gặp ông hằng tuần, tôi thấy rất áy náy. Tôi gọi điện hỏi thư ký của Chủ tịch tại sao thiệp mời gửi muộn thế. Anh ấy cười : “Đó là thiệp báo hỉ. Anh Trọng nhờ tôi sau lễ cưới mới gửi thiệp báo hỉ, và cũng chỉ gửi cho một số anh em”. Tôi nghĩ, qua cách xử sự này của lãnh đạo cấp cao, nhiều cán bộ cấp dưới nên xem lại mình.
Theo VNE