Doanh nhân Lê Phước Vũ nhận Huân chương Lao động hạng 3
Tay không gây dựng cơ đồ
Năm 1994, chỉ với 2 chỉ vàng và 200.000 đồng được tích lũy sau nhiều năm bôn ba, ông Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ chuyên bán tôn lợp nhà. Ngày đầu tiên khai trương cửa hàng, ông lãi được 650.000 đồng, một số tiền còn được ông nhớ rất rõ, bởi nhờ đó mà chỉ sau 10 - 15 ngày kinh doanh, ông đã trả được món nợ vay để mở cửa hàng trước đó. Năm 1997, nhìn thấy việc nhập hàng về bán để hưởng hoa hồng của cửa hàng không còn hiệu quả, ông Lê Phước Vũ quyết định mở xưởng cán tôn. Từ những thành công bước đầu, năm 2001 ông thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng.
Nếu như năm 2001, vốn điều lệ của Hoa Sen chỉ mới 30 tỷ đồng, thì đến năm 2010, đã lên tới 1.008 tỷ đồng; tăng 33 lần trong vòng 9 năm. Kết thúc niên độ tài chính 2011-2012, Hoa Sen ước đạt 452.873 tấn sản lượng, 10.086 tỷ đồng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kết quả của niên độ tài chính trước đó, Hoa Sen tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh cả về sản lượng (tăng 19%), doanh thu (tăng 24%) và lợi nhuận (tăng 119%) bất chấp những yếu tố khó khăn của nền kinh tế.
Để cạnh tranh và đứng vững trên thương trường, ông Vũđã đề ra chiến lược phát triển với 4 điểm: Nâng cao chất lượng sản phẩm; chăm sóc khách hàng tốt nhất; mở rộng hệ thống phân phối trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng và tập trung vào thị trường nội địa. Nhờ thực hiện đúng các nguyên tắc nói trên, thương hiệu Hoa Sen dần lan tỏa và khẳng định được vị trí hàng đầu về tôn, thép. Khi thị trường rơi vào tình trạng khó khăn, Tập đoàn Hoa Sen đã thiết lập được một hệ thống phân phối rộng rãi khắp trong nước và một số nước trên thế giới. Đây chính là bước đệm quan trọng để Tập đoàn Hoa Sen phát triển vượt bậc trong những năm tiếp theo.
Sở hữu một chuỗi kinh doanh khép kín từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, cộng với sản phẩm đạt chất lượng cao, thương hiệu có tiếng nên tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen luôn đạt mức cao. Đây là sự khác biệt của Hoa Sen Group với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. Cũng chính nhờ thế mà vào thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008, Hoa Sen đã bán rất nhanh lượng hàng tồn kho lớn, giúp doanh nghiệp vượt qua được khủng hoảng. Ông Vũtừng nói, quy luật của thị trường rất khắc nghiệt, phải có sự độc đáo, khác biệt mới có thể chiến thắng. Trong cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp vốn yếu lại không có lối đi riêng sẽ rất dễ bị chèn ép. “Kinh nghiệm từ thương trường cho tôi thấy, không thể cạnh tranh trực diện. Chiến lược của tôi là mạnh dùng sức, yếu dùng thế”. Và, cách dùng thế của DN Lê Phước Vũlà tạo ra lợi thế bằng cách kiểm soát và sở hữu hệ thống bán lẻ để giải quyết được đầu ra và kiểm soát được thị trường.
Cùng với chiến lược nói trên, ông Lê Phước Vũ còn chú trọng xây dựng thương hiệu bằng cách làm bóng đá, tài trợ cho các chương trình từ thiện xã hội. Không dừng lại với nhà máy ở KCN Sóng Thần (Bình Dương), DN Lê Phước Vũ tiếp tục phát triển thêm Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) với dây chuyền khép kín, quy mô lớn nhất Đông Nam Á để thực hiện ước mơ chinh phục thị trường các nước trong khu vực và trên khắp thế giới.
Hạnh phúc thuộc về người cho
Thành công của DN Lê Phước Vũ và Tập đoàn Hoa Sen còn được chứng minh qua hàng loạt giải thưởng, như: Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3; Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt liên tiếp từ năm 2005 đến năm 2011; Top 10 thương hiệu Sao Vàng Đất Việt năm 2009; Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu về trách nhiệm xã hội năm 2011; Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu; giải thưởng Bạch Kim do tổ chức Business Initiative Directions (B.I.D), có trụ sở tại Tây Ban Nha trao tặng...
Mang trong mình tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của nhà kinh doanh, nhưng cái tâm của DN Lê Phước Vũ là tâm Phật. Một DN thành đạt ăn chay trường cho thấy sự khác biệt lớn của con người, tính cách DN Lê Phước Vũ! Là một phật tử, triết lý đạo Phật đã ít nhiều ảnh hưởng đến đường lối kinh doanh của ông. Theo triết lý nhà Phật, cái tên Hoa Sen có ý nghĩa: “Vô nhiễm, trừng thanh, kiên nhẫn, viên dung, thanh lương, hành trực, ngẫu không và bồng thực”. Chính vì vậy mà phương châm kinh doanh của DN Lê Phước Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm chính đáng cho người lao động, mang lại hạnh phúc căn bản nhất cho con người. Mong muốn của ông là trong công ty ai cũng phải thấm nhuần triết lý nền tảng cốt lõi: “Trung thực - Cộng đồng - Phát triển”. Theo ông, tài năng phải đi đôi với trung thực và phải vì cộng đồng để cùng nhau phát triển. “Tôi là người gây dựng nên Hoa Sen Group, có trách nhiệm với 3.000 nhân viên và khoảng hơn 6.000 cổ đông, nên mọi quyết định và suy nghĩ của tôi đều đại diện cho số đông”, ông Lê Phước Vũ nói.
“Khi đồng tiền mình làm ra được dùng đúng thì hạnh phúc ấy thuộc về người cho chứ không phải người nhận”, đó là triết lý của riêng ông. Và thực tế, bên cạnh việc thành công trên thương trường, ông luôn quan tâm đến sự phát triển của đất nước và thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện xã hội, bằng các chương trình cụ thể, như: Mái ấm gia đình Việt; vượt lên chính mình; giải bóng đá dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đón giao thừa cùng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Nhờ đó, nhiều mảnh đời cơ nhỡ, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã bớt phần vất vả, vơi đi nỗi buồn để bước tiếp trên con đường hướng đến tương lai.
TRUNG ĐỒNG