1.000 tỉ USD để giải cứu đồng euro

Cập nhật: 11-05-2010 | 00:00:00

Ngày 10-5, các lãnh đạo châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đạt thỏa thuận hình thành một gói giải cứu khổng lồ lên đến gần 1.000 tỉ USD để ngăn cuộc khủng hoảng nợ Hi Lạp lan khắp châu Âu và bảo vệ đồng euro trước nguy cơ sụt giá.

 

Báo Wall Street Journal cho biết quỹ khẩn cấp này sẽ được dùng để giải cứu các nền kinh tế châu Âu rơi vào khủng hoảng tài chính “vượt ngoài tầm kiểm soát”. Chính phủ 16 nước sử dụng đồng euro sẽ cung cấp các khoản cho vay mới trị giá 560 tỉ USD cùng 76 tỉ USD theo chương trình cho vay hiện tại. Các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định IMF đã sẵn sàng hỗ trợ 321 tỉ USD.

 

“IMF sẽ hành động vì lợi ích của cộng đồng quốc tế” - Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn khẳng định. Các nhà lãnh đạo châu Âu hi vọng gói giải cứu 957 tỉ USD này sẽ là cam kết mạnh mẽ để trấn an thị trường, giống như hiệu quả của gói giải cứu 700 tỉ USD Chính phủ Mỹ đã tung ra để cứu các ngân hàng “ốm yếu” của Mỹ năm 2008. “Chúng ta sẽ bảo vệ đồng euro với bất cứ giá nào” - Cao ủy Tài chính EU Olli Rehn tuyên bố.

 

Cùng lúc đó, như Reuters cho biết, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tuyên bố sẽ mua trái phiếu chính phủ của các nước sử dụng đồng euro nhằm hỗ trợ các thị trường đang đảo lộn. ECB khẳng định đây là bước đi hợp lý bởi chính phủ các nước sử dụng đồng euro đã cam kết thực hiện những biện pháp thắt lưng buộc bụng cực kỳ nghiêm ngặt để cắt giảm thâm hụt ngân sách.

 

Luật EU cấm ECB mua trái phiếu trực tiếp từ các chính phủ, nhưng ECB sẽ đi đường vòng bằng cách mua lại từ các ngân hàng. Ngoài ra, cùng các ngân hàng trung ương Anh, Canada, Thụy Sĩ và Mỹ, ECB cũng cam kết sẽ can thiệp để đảm bảo các thị trường châu Âu không thiếu đồng USD.

 

Sau khi EU công bố gói giải cứu khổng lồ, như AFP mô tả, thị trường thế giới đã phản ứng tích cực. Đồng euro tăng vọt lên mức 1 euro đổi được 1,29 USD. Giá cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á cũng tăng mạnh. “Gói giải cứu này sẽ thỏa mãn các thị trường và hỗ trợ đồng euro” - chuyên gia Martin Lakos thuộc Hãng Macquarie Private Wealth nhận định.

 

Nhà phân tích Satoru Ogasawara của Hãng Credit Suisse ở Tokyo cũng nhìn nhận với gói giải cứu này, nguy cơ vỡ nợ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã giảm đáng kể. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định Hi Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể giảm nợ. “Để đồng euro mạnh trở lại, nền kinh tế các nước sử dụng đồng euro phải tăng trưởng bền vững” - ông Ogasawara khẳng định.

 

Trước đó, giới đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng nợ Hi Lạp sẽ lan rộng tại các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả Ý, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính toàn cầu tương tự như tác động của vụ Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ hai năm trước đây. Tuần trước, đồng euro giảm chỉ còn 1 euro đổi được 1,2523 USD, mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua. Kéo theo đó là sự sụt giảm nặng nề của các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á.

 

Theo Wall Street Journal, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều đã quyết định cắt giảm thêm chi ngân sách để hạ nhiệt mức thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng. Chính phủ Tây Ban Nha cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách năm nay xuống còn 9,3% GDP so với mức 11,2% hiện nay. Bồ Đào Nha muốn cắt thâm hụt ngân sách năm nay xuống 7,3% GDP so với 9,4% hiện nay.

 

Bất ổn chính trị châu Âu khiến cuộc khủng hoảng nợ càng trở nên trầm trọng. Ở Hi Lạp, người dân cả nước đình công để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Tại Đức, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel thất bại trong cuộc bầu cử địa phương quan trọng hôm 9-5 do cử tri bất mãn với việc Berlin đổ tiền giải cứu Athens. Như vậy, nhiều khả năng chính quyền bà Merkel sẽ mất thế đa số tại Thượng viện Đức.

 

(THEO TUỔI TRẺ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=418
Quay lên trên