Theo thuyết tương đối thì 1 km với khách bộ hành khi vui thấy gần khi buồn thấy xa, còn với khách đi tour du lịch ở làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp thì 1 km không xa cũng không gần nhưng đủ khiến họ cảm thấy… mệt quá cái đôi chân này.
Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tới tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống. Song từ nhiều năm nay, cái gọi là “Du lịch làng nghề” ở Bình Dương trên thực tế còn quá nhiều điều bất cập.
Nói về các làng nghề ở Bình Dương, đầu tiên phải kể đến làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một. Làng nghề có từ hơn trăm năm nay, nổi tiếng trong và ngoài nước với các sản phẩm tinh xảo, độc đáo. Các nghệ nhân tại làng nghề cho biết sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp có độ bền, bóng hơn, mẫu mã đa dạng hơn, chịu được khí hậu lạnh, không bị bong nứt hoặc biến dạng so với các sản phẩm ở những nơi khác. Vì thế, chúng được thị trường các nước Pháp, Anh, Đan Mạch… ưa chuộng. Thế nhưng năm 2007, toàn xã có trên 1.000 hộ làm nghề sơn mài, đến năm 2011 giảm còn khoảng 900 hộ với trên 3.000 lao động.
Làng nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn về giá cả nguyên liệu tăng cao, đầu ra sản phẩm thất thường, thợ trẻ ít người còn mặn mòi tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó còn một khó khăn khác ít ai để ý tới là… không biết quảng bá sản phẩm thông qua khách du lịch.
Người ta thường ví những nghệ nhân làng nghề giống như các bà mụ. Họ chính là người thổi hồn vào các sản phẩm. Thế nhưng khách du lịch đến với làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện tại muốn nhìn thấy một tác phẩm đầy đủ cả phần “hồn” lẫn phần “xác” phải chịu khó cất công chạy đi chạy lại giữa một nơi là khu sản xuất và một nơi là phòng trưng bày cách nhau… 1 km.
Không biết có nơi nào trên khắp mọi miền đất nước làm du lịch kết hợp với quảng bá làng nghề giống như kiểu làm của ta không? Còn nhớ dịp Tết Tân Mão vừa qua, khách du lịch đến tham quan các sản phẩm thổ cẩm trên đường hoa Nguyễn Huệ, TP.HCM đã vô cùng thích thú khi được nhìn thấy tận mắt các nghệ nhân thay phiên nhau dệt thổ cẩm tại gian hàng trưng bày.
Trở lại với làng nghề sơn mài của chúng ta, hiện tại khách đi tour du lịch đến tham quan nhưng không biết phải tham quan cái gì vì khu sản xuất sản phẩm nằm một nơi trong khi phòng trưng bày các sản phẩm hoàn chỉnh thì nằm một nẻo. Chưa kể đến các trường hợp khi khách đến nhằm lúc cơ sở nghỉ làm hay đã giao hết hàng thì sẽ “chẳng có gì để mà xem”.
Quả là thật khó để khách du lịch xích lại gần với các làng nghề ở Bình Dương bởi sau chuyến đi họ khó mà “thẩm thấu” được văn hoá cũng như mục sở thị cận cảnh công việc sản xuất của nơi tham quan vì thiếu cơ hội tiếp xúc với nghệ nhân chỉ vì cái khoảng cách không xa không gần áng chừng 1 km.
MINH HOÀNG