BBC dẫn nguồn tin cảnh sát Na Uy cho biết, trong số 86 nạn nhân bị sát hại tại đảo Utoeya có cả người anh em của công chúa Na Uy Mette-Marit. Nạn nhân này có tên Trond Berntsen, và cha anh là cha dượng của công chúa Mette-Marit, người sẽ trở thành Hoàng hậu Na Uy nếu Hoàng tử Haakon lên kế vị Đức Vua Harald V.
Người dân Na Uy đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân vụ thảm sátBerntsen làm cảnh sát và theo Reuters thì ông được thuê để bảo vệ an ninh cho trại hè thanh thiếu niên do Công đảng cầm quyền của Thủ tướng Jens Stoltenberg tổ chức tại đảo Utoeya.
Hiện thi thể các nạn nhân đã được chuyển tới một nhà xác ở Oslo.
Hiện cảnh sát đang tiếp tục làm rõ vụ xả súng kinh hoàng hôm 22/7 khiến ít nhất 86 người có mặt trên đảo thiệt mạng.
Cảnh sát cho biết nỗ lực ra đảo của họ đã bị chậm lại bởi không tìm thấy những chiếc thuyền phù hợp, và quanh đó không có trực thăng, nên họ phải đợi lực lượng chống khủng bố tới chi viện từ Oslo. Khi ấy, các lực lượng này đang được điều động về trung tâm thủ đô để điều tra vụ đánh bom cũng do chính nghi phạm Anders Behring Breivik gây nên.
Chính vì thế, tay súng này chỉ bị bắt 90 phút sau khi cuộc thảm sát bắt đầu. Các nguồn tin từ bệnh viện cho biết người này đã sử dụng loại đạn “dum-dum” có khả năng gây nội thương trầm trọng hơn khi găm vào cơ thể.
Theo cảnh sát, một trong những nạn nhân đầu tiên chính là viên cảnh sát được thuê để bảo vệ an ninh, mà giờ đây được xác định là anh của công chúa Na Uy.
Trong số 86 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng thì có một người đã chết tại bệnh viện hai ngày sau đó, tức hôm Chủ nhật 24/7.
Vào lúc 12 giờ ngày hôm nay, 25/7 theo giờ địa phương (tức 17 giờ Việt Nam), cả nước Na Uy sẽ dành một phút im lặng để mặc niệm các nạn nhân của vụ đánh bom và xả súng, gây nên vụ thảm sát kinh hoàng nhất tại quốc gia Bắc Âu này kể từ sau Thế chiến II.
Một giờ sau đó, nghi phạm chính Anders Behring Breivik sẽ được đưa ra trước tòa án trong một phiên xử kín. Luật sư của Breivik cho biết người này sẽ không thừa nhận tội ác mà mình gây ra, dù trước đó đã mô tả về cuộc tấn công rằng “kinh khủng nhưng cần thiết.”
Breivik nói sẽ giải thích hành động của mình trước tòa, nhưng dư luận Na Uy cho rằng người này đáng ra không được phép trình bày các quan điểm. Luật sư của Breivik cho biết người này muốn làm một cuộc cách mạng trong xã hội Na Uy để tiêu diệt chính sách di dân tự do cũng như sự mở rộng của đạo Hồi.
Một nguồn tin an ninh châu Âu khẳng định họ đang điều tra cáo buộc rằng Breivik cùng một số phần tử cực hữu khác đã tham dự một buổi lễ tuyên thệ của nhóm cực hữu Knights Templar ở London năm 2002.
Các phần tử thuộc nhóm này đã có nhiều cuộc thảo luận trên mạng trong thời gian qua, và ngay trước khi gây ra cuộc tấn công, Breivik đã tung lên mạng một bản tuyên ngôn dài tới 1.500 trang.
Căn cứ vào những tài liệu trên thì có thể Breivik đã lên kế hoạch cho vụ tấn công từ năm 2009.
Theo luật của Na Uy hiện nay thì nếu bị kết tội, Breivik có thể chỉ phải chịu án phạt tù 21 năm.
Tuy nhiên, ngay cả khi mãn hạn thì người này cũng chưa chắc đã được ra tù, bởi khi ấy cơ quan chức năng sẽ xem xét khả năng gây nguy hiểm đối với xã hội để tiếp tục áp dụng hình phạt quản chế.
Trong khi đó, cảnh sát Pháp cũng đang khám xét một ngôi nhà ở miền nam nước này, nơi cha của Breivik là ông Jens Breivik sinh sống nhiều năm nay.
Trước đó, theo Reuters thì ông Jens nói rằng ông chỉ biết đến vụ thảm sát khi đọc tin tức trên mạng và thấy ảnh con mình được cho là nghi phạm.
Ông Jens nói ông đã không hề liên hệ gì với con trai trong nhiều năm.
Theo TTXVN