10 năm cuộc chiến Iraq - Sự sắp đặt hoàn hảo

Cập nhật: 05-03-2013 | 00:00:00

10 năm trước, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đứng trước LHQ đọc diễn văn cáo buộc chế độ Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Ngày nay, ông Powell nói thật: “Tôi đã rất tức giận khi trên các diễn đàn, mạng xã hội, mọi người gọi tôi là kẻ nói dối vì thừa nhận rằng mình bị qua mặt. Nhưng không phải thế. Bài học đắt giá mà tôi rút ra được là: Hãy cố gắng vượt qua sai lầm, càng sớm càng tốt, học từ nó. Nếu phải chịu trách nhiệm thì phải sớm thú nhận tất cả”.

  Trước LHQ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt.    “Tôi đã bị lừa”

Cuộc chiến tiêu tốn đến 5.000 tỷ USD ngân sách của Mỹ từng được khẳng định là một cuộc chiến dựng lên từ những điều không có thật do các bên tham chiến không thể đưa ra bất cứ chứng cứ nào cho thấy Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Đây là lần đầu tiên, một thành viên nội các phải thừa nhận bị biến thành “bù nhìn” ở thời điểm quyết định quan trọng. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Le Nouvel Observateur của Pháp số ra ngày 3-3, cựu Ngoại trưởng Mỹ chua xót: “CIA đã lừa tôi”.

Trong quyển tự truyện phát hành tháng 5-2012 có tựa đề It Worked For Me: In Life and Leadership, ông Powell cho biết, không có một sự bàn bạc, cân nhắc xác đáng nào để Nhà Trắng đưa ra quyết định về chuyện liệu tấn công Iraq có phải là lựa chọn thượng sách hay không.

Quyển sách có đoạn: “Tổng thống Bush không mảy may nghĩ đến phương án nào khác ngoài chiến tranh. Vấn đề này thậm chí còn không được đưa ra Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng, khi ấy do bà Condoleezza Rice điều hành để xem xét”. Vì muốn đưa vấn đề này ra LHQ nên ông Colin Powell đã trở thành “cái gai” của Chính phủ Tổng thống Bush và những nhân vật thân tín. Ông Powell dùng từ “thảm họa” và “thứ tạp nham” khi nhắc đến bài phát biểu của mình năm 2003. Ông nói: “Sau đó tôi mới biết những lời lẽ cáo buộc ấy được sáng tác bởi đội ngũ của Phó Tổng thống Cheney… Đó là một trong những khoảnh khắc sai lầm nhất của tôi. Càng xấu hổ là nó gây ra hậu quả quá lớn”.

Quyển sách của ông Colin Powell cho thấy sự mâu thuẫn và tương phản hoàn toàn với những gì mà cựu Tổng thống Mỹ G.Bush đã viết trong tự truyện xuất bản năm 2012 Decision Points. Ông Bush từng cho rằng cuộc chiến là hệ quả tất yếu của sự cân nhắc kỹ lưỡng, của sự ủng hộ mạnh mẽ trong và ngoài. Nhưng với Colin Powell, không hề có cái gọi là “quá trình ra cân nhắc” hay “quá trình ra quyết định”.

Ông Powell nhớ lại, một ngày giữa tháng 1-2003, Tổng thống Bush triệu ông đến Nhà Trắng và thông báo quyết định tấn công Iraq. Ông hỏi lại: “Ngài có chắc không?” và nhấn mạnh thêm rằng Mỹ cần lường trước hậu quả. Ông Powell một lần nữa khẳng định đây không phải là buổi thảo luận mà chỉ là thời điểm ông Bush thông báo cho ông về một việc đã rồi. Buổi gặp diễn ra chóng vánh trong 12 phút. Ngay từ đầu, ông Powell đã không được mời tham gia kế hoạch tấn công Iraq.

    Bức màn bí mật

Thật ra, Nhà Trắng đã rắp tâm tấn công Iraq từ cuối năm 2001. Tổng thống Bush nhanh chóng chớp lấy vụ khủng bố ngày 11-9-2001 để tạo ra mối liên hệ với chế độ Saddam Hussein. Thời điểm đó đã diễn ra những cuộc gặp liên tục giữa ông Bush và tướng Tommy R. Franks. Kế hoạch càng mở rộng trong suốt năm 2002 khi CIA kết luận rằng, không thể lật đổ Saddam Hussein nếu không sử dụng biện pháp quân sự. Ngày 21-11-2001, Tổng thống Bush đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld lập kịch bản đánh Iraq. Ngày 16-2-2002, ông Bush ký lệnh yêu cầu CIA trợ giúp Lầu Năm Góc.

Tháng 7-2002, một nhóm CIA đã đến Iraq, tổ chức công tác do thám. Cùng lúc, ông Bush phê chuẩn 700 triệu USD cho công tác chuẩn bị chiến trường vùng Vịnh, trong đó có việc nâng cấp phi trường, căn cứ, đường ống dẫn nguyên liệu và đổ đầy kho đạn dược. Nhà Trắng đã âm thầm qua mặt Quốc hội trong kế hoạch Iraq. Xung đột giữa Ngoại trưởng Colin Powell và Phó Tổng thống Dick Cheney từ đó bắt đầu căng thẳng.

Chứng cứ thuyết phục đầu tiên do nhà báo người Anh Michael Smith công bố năm 2005 trên Sunday Times là một bản ghi chép những kết luận của các quan chức Anh sau hàng loạt cuộc họp cấp cao ở Washington tháng 7-2002. Nội dung có đoạn: “Cuộc chiến này là không thể tránh khỏi. Tổng thống Bush muốn trừ khử Saddam bằng hành động quân sự thông qua cáo buộc khủng bố và sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Tuy nhiên, thực tế không có những chứng cứ xác thực”.

Hồi ký phát hành năm 2007 của cựu Giám đốc CIA George Tenet cũng thừa nhận những tình tiết tương tự lời của ông Powell: “Đúng là không có một cuộc thảo luận nghiêm túc nào về mối đe dọa đến từ Iraq cũng như việc triển khai quân đến quốc gia này”. George Tenet chính là người lập ra báo cáo dài 40 trang để làm tài liệu đối phó với báo chí về chiến dịch tấn công Iraq.

Nhân 10 năm kể từ khi Mỹ cùng đồng minh triển khai quân đến Iraq, tờ Le Monde Diplomatique của Pháp số ra tháng 3-2013 cũng đăng bài Thất bại của một cuộc chiến vì dầu mỏ. Từ lâu, nhà cầm quyền Mỹ luôn khẳng định tham chiến tại Iraq không phải vì dầu mỏ nhưng ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Tờ báo dành 2 trang lớn đưa ra những tài liệu và bằng chứng cho lập luận của mình, sau đó nhận định rằng sự tham chiến này là một thất bại, không chỉ đối với phương Tây mà còn ảnh hưởng tới lợi ích của người Iraq, đẩy đất nước này vào tình trạng bất ổn triền miên.

Thống kê của Lầu Năm Góc cho thấy gần 4.500 lính Mỹ phục vụ cho cuộc chiến Iraq đã bỏ mạng, hơn 100.000 người Iraq tử vong. Ngoài ra, số lính Mỹ bị thương (bao gồm chấn thương thể xác và tinh thần) là hơn 32.000 người. 5.000 tỷ USD trích từ ngân sách để phục vụ cuộc chiến cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế - tài chính ở Mỹ năm 2008 và số nợ công khổng lồ hiện nay.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=414
Quay lên trên