10 năm sau vụ khủng bố 11-9, nước Mỹ có an toàn hơn?

Cập nhật: 06-09-2011 | 00:00:00

Một thập kỷ trôi qua kể từ khi xảy ra vụ khủng bố 11-9, người dân Mỹ có thể thấy an toàn hơn trước nhưng thực tế quốc gia này vẫn phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa từ các phần tử khủng bố, nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ nhận định.

Stuart Gottlieb, giáo viên môn chính sách đối ngoại và chống khủng bố tại ĐH Columbia cho rằng, Mỹ hiện chỉ an toàn phần nào bởi Tổng thống Obama duy trì nhiều chiến lược chống khủng bố của người tiền nhiệm Bush.

  Nước Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh sau vụ khủng bố 11-9.

Ông Gottlieb chỉ ra rằng, nhiều chính sách của cựu Tổng thống Bush, trong đó có việc ám sát những kẻ tình nghi khủng bố thực hiện các vụ không kích và do thám gây hấn, vẫn được kéo dài thời hạn sử dụng hơn hai năm sau khi ông Obama lên nắm quyền.

“Lý do khiến chính quyền của ông Obama duy trì những chính sách này là bởi nó vẫn hiệu quả”, chuyên gia Gottlieb nhấn mạnh; đồng thời chia sẻ quan điểm rằng, ông thấy thật sai lầm nếu ông Obama phủ nhận toàn bộ những chính sách chống khủng bố của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, ông cảnh báo, sự an toàn mà người dân Mỹ có được chỉ là cảm tính. Thực tế, những nhóm khủng bố tại Pakistan, Afghanistan cũng như các nhánh khủng bố tại Somalia, Nigeria, Philippines và Indonesia vẫn tạo ra những mối đe dọa nguy hiểm.

“Chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít thách thức đến từ các phần tử khủng bố tìm mọi cách thâm nhập đất nước chúng ta để sát hại người dân”, ông Gottlieb khẳng định.

Theo ông Gottlieb, các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ cần đặt trọng tâm vào Pakistan, cái nôi của rất nhiều phong trào Hồi giáo cực đoan. “Nếu các phần tử khủng bố tại Pakistan tiếp tục theo đuổi cái gọi là thánh chiến thì thách thức lớn nhất của chúng ta vẫn là từ quốc gia này”, ông Gottlieb quả quyết.

Chuyên gia này cho hay, quốc gia Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân này thực sự là vấn đề gây đau đầu với giới chức Mỹ bởi chính quyền Pakistan “chơi trò hai mặt”, vừa là đồng minh của Mỹ song cũng là nhà tài trợ cho các phong trào cực đoan như Taliban tại Afghanistan.

Ông Gottlieb cũng nhấn mạnh, cái chết của trùm khủng bố bin Laden chưa thể là hồi kết cho chiến dịch chống khủng bố của Mỹ bởi dù có thể làm suy yếu phong trào của al Qaeda nhưng bên cạnh nhóm khủng bố này còn rất nhiều nhóm cực đoan khác, hoạt động tách biệt với al Qaeda mà vẫn muốn tấn công vào các lợi ích của Mỹ.

Ngoài ra, theo ông Gottlieb, phong trào Cách mạng mùa Xuân Arab đang “tiếp lửa” cho giới thanh niên Arab tại khu vực Trung Đông vùng lên, theo đó, tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan tăng cường tuyển mộ lực lượng.

Trong khi đó, nghị sĩ Jose Serrano, một thành viên đảng Dân chủ luôn chỉ trích các chính sách của Mỹ cho rằng, ông cảm thấy an toàn hơn so với trước rất nhiều.

“Tôi có thể khẳng định rằng, an ninh của chúng ta đã được cải thiện hơn rất nhiều. Tôi không cho rằng sự cải thiện này là ngẫu nhiên mà là kết quả của bao nỗ lực tình báo và lực lượng an ninh”, ông Serrano quả quyết.

Tuy nhiên, ông Serrano cũng thừa nhận, Mỹ vẫn chưa thể đảm bảo tuyệt đối cho mọi công dân.

Theo China.org

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=259
Quay lên trên