100 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2013

Cập nhật: 31-12-2013 | 00:00:00

Với tài sản gần 19.640 tỷ đồng trước khi thị trường khép lại năm 2013, ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng nhiều khả năng tiếp tục giữ vị trí giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Thị trường chứng khoán đã bước vào phiên giao dịch cuối cùng của năm 2013. Sau khi điều chỉnh nhẹ trong đợt khớp lệnh mở cửa tại HOSE, 2 sàn đồng loạt tăng điểm trở lại, hứa hẹn một cái kết "có hậu" cho chứng khoán năm nay.

 

Trước thời điểm này, theo thống kê của VnExpress và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup - Phạm Nhật Vượng đang là cá nhân có tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán, số cổ phiếu VIC ông đang sở hữu có giá khoảng 19.638 tỷ đồng. Với khoảng cách khá "an toàn" với vị trí thứ 2, ông Vượng nhiều khả năng sẽ lần thứ 4 liên tiếp giữ ngôi vị giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Ngay sau ông chủ Vingroup là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai - Đoàn Nguyên Đức với tổng tài sản đến từ cổ phiếu HAG tương đương gần 6.300 tỷ đồng. Ông Đức từng là người giữ ngôi vị giàu nhất trên sàn trong các năm 2008 và 2009.

Tương tự ông Phạm Nhật Vượng và Đoàn Nguyên Đức, ông chủ Hòa Phát - Trần Đình Long cũng chỉ nắm giữ duy nhất một cổ phiếu HPG. Tuy nhiên, sự đi lên của mã này cũng như sức khỏe của doanh nghiệp trong năm 2013 đã giúp tài sản chứng khoán của "Bầu Long" đến nay tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với thời điểm khép lại năm 2012. Cũng nhờ vậy, ông vươn lên vị trí số 3 trong danh sách năm nay, tăng 2 bậc so với năm ngoái.

Với khoảng cách giữa các cá nhân đều không dưới 1.000 tỷ đồng, các vị trí trong Top 5 dự kiến rất khó xáo trộn sau phiên giao dịch cuối năm. 2 thành viên còn lại của Top cũng là các cổ đông lớn của Vingroup là bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng, lần lượt là vợ và em vợ ông Phạm Nhật Vượng. Ngược lại, các vị trí 5 - 10 lại hứa hẹn nhiều diễn biến gay cần đến phút cuối cùng.

Điển hình nhất là khả năng thay đổi giữa vị trí thứ 6 (hiện thuộc về Ủy viên Hội đồng quản trị Masan - bà Nguyễn Hoàng Yến) và thứ 7 (Chủ tịch Hoa Sen - Lê Phước Vũ), hay vị trí thứ 9 (Chủ tịch Địa ốc Phát Đạt) với thứ 10 (Phó chủ tịch Masan - Hồ Hùng Anh) khi khoảng các tài sản giữa các cá nhân chỉ 20 - 50 tỷ đồng, tương đương vài phần trăm tài sản chứng khoán. Ngoài ra, phu nhân của Chủ tịch Hòa Phát - bà Vũ Thị Hiền cũng có khả năng lọt vào Top 10 năm nay khi chỉ cách vị trí cuối khoảng 30 tỷ đồng tài sản.

  Vị trí của nhiều doanh nhân trong Top 10 có thể thay đổi trong phiên giao dịch cuối năm

Cùng với những gương mặt mới, các trường hợp thành công, thị trường chứng khoán năm nay cũng phải chứng kiến một số "nốt trầm" của các doanh nhân, những cuộc đổi ngôi trong danh sách người giàu. Trong số này, đáng ghi nhận nhất là cha con ông Đặng Văn Thành khi rời Top 20 sau hàng loạt biến cố.

Cuối năm 2012, ông Đặng Văn Thành – người từng nhiều năm liên tiếp xuất hiện trong danh sách những đại gia giàu nhất sàn chứng khoán đệ đơn xin từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vì lý do cá nhân. Sau quyết định này, số cổ phần của gia đình ông cũng bị Sacombank sử dụng vào việc cấn trừ nợ khiến doanh nhân này rời sàn chứng khoán cùng ngôi vị người giàu.

Người con trai Đặng Hồng Anh - đang giữ chức Chủ tịch Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) rơi từ vị trí số 15 (năm 2012) xuống 53 trong danh sách. Hiện trị giá tài sản chứng khoán của Đặng Hồng Anh chủ yếu dựa trên cổ phiếu SCR của Sacomreal. Trong năm qua, mã này hầu như cũng không có nhiều bứt phá khi thị giá chủ yếu đi ngang.

Ngoài gia đình họ Đặng, một số trường hợp doanh nhân khác cũng ghi nhận hao hụt lớn về tài sản chứng khoán vì những lý do khác nhau như ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Alphanam, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC, ông Đỗ Văn Bình - Phó chủ tịch Sudico hay bà Chu Thị Bình - Phó tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú...

Điểm lại năm 2013, thị trường chứng khoán nhìn chung đã có một năm khởi sắc, "đi trước" nền kinh tế. Tác động của các chính sách vĩ mô, cộng với sự trở lại của dòng vốn ngoại đã tạo ra nhiều con sóng, đưa chứng khoán Việt Nam trở thành một trong 10 thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Vn-Index tăng 22% trong khi tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 13% so với cuối năm 2012.

Theo VnExpress
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=485
Quay lên trên