Trong những tháng đầu năm, tình hình lao động phổ thông (LĐPT) thiếu hụt khiến một số doanh nghiệp (DN) không thể chủ động trong việc triển khai công việc, bảo đảm nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Bình Dương hiện vẫn đang cần LĐPT kể cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… Nhiều DN tăng chế độ đãi ngộ nhưng vẫn khó tìm đủ nguồn lao động cần thiết.
Bộ phận nhân sự của một doanh nghiệp TX.Tân Uyên ra đường để tuyển lao động
Thiếu lao động vì về quê chưa lên
Qua trao đổi với P.V, một chủ DN chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, sắt thép cho biết đã nhờ bạn bè tìm giúp 6 LĐPT gồm nhân viên bán hàng và thợ cơ khí nhưng đã hơn 1 tháng vẫn không tìm ra. Anh cho biết do thiếu LĐPT nên công việc gặp nhiều khó khăn, khó đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trong khi đó theo ghi nhận của P.V, LĐPT dành cho nông nghiệp cũng trong tình trạng khan hiếm. Anh Trần Văn Thành, chủ một trang trại ở xã Hiếu Liêm, Bắc Tân Uyên, cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, người chăm sóc cây, thu hoạch trái (cam, bưởi) về quê ăn tết và không trở lại làm việc hoặc có trở lại nhưng xin làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp khiến nguồn lao động bị khan hiếm, tìm không đủ LĐPT cho trang trại. Có lúc trái cây chín cả vườn nhưng không có người hái đành phải… khất lại khách hàng bởi không đủ số lượng để giao”. Cũng theo anh Thành, dù đã tăng tiền công nhưng hiện tại vẫn khó tuyển lao động do người lao động đi tìm công việc mới hoặc trở về quê sau một thời gian xa nhà.
Tại công trình chợ - trung tâm mua sắm Khu công nghiệp Bàu Bàng (ấp 5, thị trấn Lai Uyên, Bàu Bàng), chúng tôi gặp một nhóm thợ xây dựng đang làm việc tại đây. Chị Nguyễn Thị Lệ (quê Đà Nẵng) cho biết trước đây chị làm cho một công ty nước giải khát nhưng gần đây biết Bình Dương thiếu LĐPT và chồng cũng đang làm cho một đội xây dựng tại huyện Bàu Bàng nên chị vào cùng chồng để xin việc làm. Công việc của chị được phân công cho phù hợp với sức vóc của phụ nữ. Mỗi ngày chị nhận được 300.000 đồng tiền công. Có việc làm đều, ổn định nên chị Lệ yên tâm với công việc hiện tại của mình.
Ông Nguyễn Vĩnh Phi, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Highland Dragon (chuyên sản xuất cá đóng hộp, KCN Sóng Thần 1, TP.Dĩ An), cho biết để đáp ứng nhu cầu sản xuất, công ty cần tới 400 LĐPT. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán việc tuyển dụng công nhân rất khó khăn. Công ty đã đăng ký tham gia sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Bình Dương với hy vọng tìm kiếm được nguồn lao động đầu năm. Sau khi được trung tâm tích cực hỗ trợ đưa thông tin tuyển dụng đến với người lao động, công ty cũng tiếp nhận được một số hồ sơ xin việc, tuy nhiên số lượng không nhiều vì đây là tình hình chung của thị trường lao động hiện nay. “Sau đó trung tâm có giới thiệu cho tôi về chương trình kết nối với các tỉnh Tây nguyên đưa lao động về Bình Dương làm việc. Tôi đã đăng ký chương trình này và vào ngày 11-3 công ty đã nhận được một số lao động đến làm việc. Đây là sự khởi đầu khá thành công với nhu cầu lao động hiện nay. Sắp tới công ty sẽ tiếp tục đón nhận nguồn lao động từ các các tỉnh Tây nguyên về Bình Dương làm việc”, ông Phi cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, trong quý I-2022 có 1.309 DN tuyển dụng lao động. Nhu cầu tuyển dụng là 49.789 lao động, trong đó có đến 45.772 là LĐPT. Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu và 30.249 lao động đã có việc làm. Như vậy là nhu cầu về LĐPT của DN trong tỉnh vẫn còn rất nhiều.
Một thông báo tuyển dụng ghi rõ các chế độ ưu đãi người lao động
Đủ kiểu tuyển dụng lao động
Trước tình hình thiếu hụt công nhân, để đáp úng tiến độ sản xuất, bộ phận nhân sự của nhiều công ty đã ra đường đặt bàn ngồi tư vấn, đặt bảng tuyển dụng để nhận hồ sơ tại chỗ. Để ổn định sản xuất, kịp tiến độ cho các đơn hàng, bộ phận nhân sự Công ty T.P.L (xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên) đã về vùng sâu ở các tỉnh miền Tây để tuyển người. Anh Nguyễn Nhân chia sẻ với quy mô xưởng lớn, công ty cần 300 LĐPT ngành gỗ và 500 lao động cho ngành sofa nhưng để tuyển đủ số lượng này thì không dễ. Hiện nay công nhân làm ngành sofa đang rất hiếm nên anh Nhân chủ động về tỉnh Trà Vinh và vào tận các xã vùng sâu để liên hệ các trưởng ấp tuyển người. Anh Nhân cho biết công ty trả lương căn bản cao, phụ cấp chế độ độc hại từ 300 - 800.000 đồng tùy bộ phận; phụ cấp tiền nhà trọ 500.000 đồng; phụ cấp chuyên cần, tổng thu nhập hàng tháng với một công nhân bình thường gần 12 triệu, kể cả tăng ca. Thậm chí với những lao động tuyển ở tỉnh, công ty sẵn sàng chi tiền xe đưa đón khi công nhân không có xe, tìm nhà, phòng trọ gần công ty cho công nhân ở để thuận tiện đi làm… nhưng vẫn “đỏ mắt” tìm người.
Chị Hoàng Thu, phụ trách phòng nhân sự Công ty Pisen Việt Nam (KCN Nam Tân Uyên mở rộng, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên), cho biết dự đoán trước tình hình là sẽ thiếu hụt LĐPT, công ty đã có những chính sách giữ chân người lao động như tăng tiền lương cơ bản, tăng tiền cơm trưa, phụ cấp tiền nhà trọ, phụ cấp chuyên cần nhưng nhiều lao động vẫn không mặn mà! Mới đây, để kịp tiến độ các đơn hàng, bộ phận nhân sự chủ động ra đường để tuyển người. Các điều kiện tuyển khi đi làm cũng dễ hơn như chỉ cần có căn cước công dân, đầy đủ sức khỏe là đi làm. Các thủ tục về hồ sơ sẽ bổ sung sau. Công ty cũng cam kết sẽ đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, các chế độ lương thưởng luôn cao, hấp dẫn, công nhân làm chuyên cần cộng với tăng ca tổng thu nhập sẽ từ 10 - 14 triệu đồng tùy theo bộ phận. “Tuy có nhiều ưu đãi nhưng số người lao động tuyển được mỗi ngày vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay”, chị Thu cho biết.
Trong khi đó, tại KCN Sóng Thần 3, bộ phận nhân sự Công ty TNHH Green Chem Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần 3, phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một) cũng đặt bàn nhận hồ sơ tuyển lao động phổ thông tuổi từ 18 - 40 với các ưu đãi như: Lương cơ bản 5 triệu đồng, phụ cấp chuyên cần 500.000 đồng, phụ cấp đi lại nhà ở 200.000 đồng, ký hợp đồng tham gia đầy đủ BHXH, phép năm theo quy định của nhà nước nhưng vẫn rất khó tuyển. Đa số người lao động chỉ đến hỏi và tỏ ra rất “kén việc”.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết từ tháng 4 trở đi, việc tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh sẽ thuận lợi hơn và sẽ được đáp ứng do số lượng lớn người lao động sẽ quay trở lại làm việc. Số lao động thất nghiệp tại các tỉnh sẽ trở lại, cùng với việc kết nối thông tin cung - cầu lao động, kết nối thông tin tuyển dụng với các tỉnh có nguồn lao động để thu hút lao động hiện nay đang được đẩy mạnh. Hiện đơn vị đã ký kết cơ chế phối hợp với 14 tỉnh để tìm nguồn lao động .
Hiện nay các DN cần tuyển dụng khoảng 40.000 người để bù đắp số lao động nghỉ việc, đáp ứng yêu cầu sản xuất các đơn hàng đã ký kết, đơn hàng mới. Trong cả năm 2022, DN cần khoảng 90.000 lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, bao gồm cả tuyển dụng thay thế lao động nghỉ việc và tuyển mới. Ngành nghề tuyển dụng tập trung nhiều ở các lĩnh vực chủ lực của tỉnh như sản xuất gỗ nội thất, giày da, dệt may, thực phẩm, thương mại dịch vụ, điện tử…” (Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) |
QUỲNH NHƯ - QUỲNH ANH