16 năm “sống treo”!

Cập nhật: 31-01-2013 | 00:00:00

 

 Ánh mắt ông Sáu xa xăm, mỏi mòn trông đợi ngày thoát khỏi cảnh “sống treo”!

Sinh năm 1940, ông Đoàn Văn Sáu hiện đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”. Những tưởng khi về già sẽ được hưởng thú điền viên, nhất là khi dự án Khu công nghiệp (KCN) và Khu dân cư (KDC) Tân Đông Hiệp B được quy hoạch, gia đình ông tràn đầy hy vọng sẽ “đổi đời”. Vậy mà sau gần 20 năm triển khai, dự án này vẫn chưa hoàn thiện khâu giải phóng mặt bằng! Thay vì “đổi đời”, gia đình ông từ đó phải “sống treo” trong một căn nhà ọp ẹp, đất đai thì bỏ hoang không dám trồng cấy… Tại một địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh nhất tỉnh, nhưng cả nhà ông, gồm 2 người già cùng con, dâu và 2 cháu nhỏ phải sống trong cảnh một vùng quê hẻo lánh!

16 năm qua, quy hoạch “treo” đã gây cho gia đình tôi những khó khăn chồng chất. Nếu không thực hiện đền bù, giải tỏa được thì hãy xóa “treo” để gia đình tôi có thể sửa sang lại căn nhà dột nát, làm lại con đường và trồng cây lâu năm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống…

(Ông Đoàn Văn Sáu)

 

Bóng chiều cùng với những đám mây u ám đang ngả xuống khu phố Đông Thành, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An - nơi gia đình ông Đoàn Văn Sáu cư ngụ. Cơn mưa trước đó khiến mặt đường đất đỏ từ KCN Tân Đông Hiệp B dẫn vào nhà ông Sáu đọng thành vũng, trơn trợt. Chân đi đôi ủng cao su, tay cầm chiếc gậy, ông Sáu dò dẫm ra đón tôi từ ngoài ngõ. Gọi là ngõ nhưng trên thực tế lối vào nhà ông Sáu chỉ là con đường tự tạo dài chừng 100m. “Con đường” độc đáo này chỉ rộng chừng 20cm, ở giữa lõm xuống bởi vết các bánh xe gắn máy qua lại nhiều tạo thành, 2 bên cỏ dại mọc um tùm. Xuống xe dắt bộ, cuối cùng tôi cũng vào được nhà ông Sáu với đôi chân lấm lem bùn đất. Căn nhà 2 gian cũ nát, ọp ẹp nằm lọt thỏm trong một vùng đất mênh mông cỏ dại. Một gian vừa làm phòng khách và cũng là phòng ngủ của cặp vợ chồng già. Gian kế bên dành cho vợ chồng người con trai út của ông cùng 2 đứa cháu nhỏ đang học tiểu học. Trước căn nhà là cái chuồng bò thấp lè tè và khoảng sân đất nham nhở, gồ ghề, đọng nước. Trong căn nhà ấy, không gian ấy, tròn 16 năm qua ông Sáu và người bạn đời “đồng cam cộng khổ” cùng gia đình anh con trai út, cả thảy có 6 nhân khẩu nương náu qua ngày.  

 Căn nhà của ông Sáu xuống cấp nặng nề nhưng không thể sửa sang chỉ vì… “treo”

Ông Sáu kể, năm 1997 gia đình ông được thông báo ngôi nhà nằm trong quy hoạch dự án KCN-KDC Tân Đông Hiệp B, thuộc diện giải tỏa. Lúc ấy, dự án do Công ty TNHH Tứ Hải làm chủ đầu tư và việc áp giá đền bù chưa thỏa đáng nên gia đình ông và chủ đầu tư chưa đạt được thỏa thuận. Mặc dù chưa đạt được thỏa thuận, nhưng phía chủ đầu tư vẫn yêu cầu gia đình ông không được xây dựng, sửa sang nhà cửa, trồng cây ăn trái… Diện tích đất gần 14.177m2 của ông Sáu từ đó gần như bỏ hoang. Tiếp đó, dự án này được chuyển giao cho Công ty TNHH Phú Mỹ. Dự án đổi chủ nhưng việc đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn không đi đến đâu. Mãi đến tháng 7-2010, Công ty TNHH Phú Mỹ mới cho người đem bảng áp giá đền bù đến, nhưng việc thương lượng cũng không thành và gia đình ông Sáu tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận lại. Cuối năm 2010, gia đình ông Sáu thêm một lần nữa tiếp xúc, thỏa thuận với chủ đầu tư. Do quá mệt mỏi với cảnh “sống treo”, ông Sáu nhượng bộ và chấp thuận mức giá đền bù mà phía công ty đưa ra; đồng thời nhận được lời hứa “đầu năm 2011 sẽ áp giá và đền bù…”. Những tưởng sau lần thỏa thuận này, việc giải phóng mặt bằng sẽ ổn thỏa, gia đình ông sẽ nhận được tiền đền bù cũng như diện tích tái định cư để nhanh chóng ổn định cuộc sống, nhưng…

“Tôi cũng muốn nhận tiền đền bù để chia cho các con mỗi đứa một ít giúp chúng có vốn làm ăn hay sửa sang nhà cửa. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” như tôi, ước nguyện lớn nhất là được nhìn thấy con cái có cuộc sống ổn định, no đủ…”, ông Sáu bộc bạch. Tuy vậy, lần này ông vẫn chưa được toại nguyện mong ước. Thời gian cứ như thoi đưa, còn lời hứa của vị đại diện chủ đầu tư đã theo làn gió cuốn đi. Cuối năm 2011, thêm một lần nữa phía chủ đầu tư lại cử người đến nhà ông thỏa thuận lại giá đền bù và cũng như lần trước, lần này gia đình ông cũng đã chấp nhận. Do từng bị ảo tưởng bởi lời “hứa hão” trước đó, ông Sáu yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đền bù ngay trong năm, nếu để sang năm 2012, sẽ không chấp nhận mức giá đền bù này. Sau khi đạt được thỏa thuận, phía chủ đầu tư lại cho người đến tiến hành đo đạc lại diện tích xong mới tiến hành áp giá. Tuy nhiên, khi đo đạc, diện tích thực tế lại lớn hơn diện tích ghi trên sổ đỏ nên phía công ty vẫn chưa thực hiện đền bù. “Từ đó, phía công ty không trả lời, không có công văn phúc đáp hoặc đưa ra hướng giải quyết để thực hiện đền bù cho gia đình tôi. Việc đền bù, giải tỏa lại tiếp tục rơi vào bế tắc, khiến gia đình tôi tiếp tục sống cảnh nhà dột, cửa rơi, vườn tược điêu tàn, sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn đủ bề…”, ông Sáu ngán ngẩm nói sau khi buông tiếng thở dài!

Câu chuyện buồn của gia đình ông Sáu vừa đến hồi kết thì trời đổ cơn mưa rào. Vợ ông Sáu lớn tiếng gọi 2 đứa cháu đang chơi ngoài sân vào nhà. Đúng lúc này có mấy “nạn nhân” đang “sống treo” trong dự án này nghe tin có nhà báo về vội vàng đến để “tố” với nhà báo. Còn người con trai út của ông Sáu thì vội vàng lấy tấm ván gỗ làm cầu, dắt chiếc xe gắn máy của tôi từ dưới sân vào thẳng trong nhà vì lo nước ngập pô xe, sẽ không nổ máy được! Hai “nạn nhân” mới đến là ông Bùi Văn Ngay và anh Lê Hồng, cùng ngụ khu phố Đông Thành. Câu chuyện mà hai người góp thêm càng làm cho nội dung cuộc trò chuyện thêm phần bi ai! Vẫn là chuyện đất đai không trồng cấy, nhà cửa không dám sửa sang, điều kiện sống khắc khổ… nhưng chính từ miệng các “nạn nhân” nói ra nên càng nghe càng nao lòng! “Chủ đầu tư chỉ hứa hão vậy thôi chứ chắc không còn khả năng đền bù mới dây dưa, kéo dài, hành hạ chúng tôi như thế…”, câu nói của anh Hồng ngay lập tức nhận được sự đồng tình của cả ông Sáu và ông Ngay. Như tìm được sự đồng điệu, giọng ông Sáu thắt lại: “Gia đình tôi được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì vì có công cách mạng. Phần đất nhà tôi có được cũng trải qua bao đời khó khăn, gian nan giữ gìn, cải tạo. Nay diện tích đất này thuộc vùng quy hoạch, từ bỏ nó tôi đau lòng lắm nhưng vẫn phải chấp hành quy định và chính sách của Nhà nước. Vậy mà việc bồi thường cho gia đình tôi vẫn chưa ổn, thiệt bất bình… ”

Cơn mưa trái mùa không lớn nhưng xung quanh khu vực nhà ông Sáu nước đã ngập mênh mông, trắng cả lối đi. Nhờ có cơn mưa cuối mùa mà tôi được chứng kiến cảnh sống bùn lầy, nước đọng của những hộ “sống treo” tại dự án này. Sau cơn mưa trời lại sáng, nhưng với gia đình ông Sáu, sau biết bao cơn mưa trong suốt 16 năm qua vẫn cứ mịt mù! Không biết sau những cơn mưa của mùa mưa thứ 17 này, liệu gia đình ông Sáu có nhìn thấy bầu trời sáng lên?!

 

 

 THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=444
Quay lên trên