4h sáng nay, chuyến bay đầu tiên đưa lao động làm việc tại Libya về nước đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Khoảng 11h trưa nay có thêm một chuyến bay nữa về tới Hà Nội.
>> Bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam tại Libya
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, chuyến bay của hãng hàng không Bồ Đào Nha chở 181 lao động Việt Nam, trong đó 176 người của Công ty Vinaconex MEC JSC và 5 người của Công ty Glo-tech JSC.
Những lao động đầu tiên rời khỏi Libya về đến sân bay Nội Bài sáng nay.
Những lao động này làm việc cho nhà thầu xây dựng AG của Brazil và đã được đưa ra khỏi Libya bằng đường hàng không từ sân bay quốc tế Tripoli để sang Malta, sau đó qua các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất rồi về Việt Nam.
Ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng lãnh đạo doanh nghiệp và nhiều thân nhân đã đến đón lao động. Gặp lại gia đình, nhiều người đã khóc vì may mắn là người đầu tiên được thoát khỏi vùng chiến sự Libya. Hiện Việt Nam còn hơn 5.000 lao động vẫn chưa rời được quốc gia này, trong khi giao tranh đã nổ ra.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Vinaconex MEC, cho biết toàn bộ 176 lao động đã được đưa về trung tâm đào tạo xuất khẩu lao động của công ty (cách sân bay khoảng 2km) để nghỉ ngơi và đến 8h sáng nay thì được đưa ra bến xe về nhà.
Ông Hiệp cho biết trước mắt công ty Vinaconex MEC đã hỗ trợ cho mỗi lao động của công ty một triệu đồng và hỗ trợ cho mỗi lao động của công ty Glo-Tech 500.000 đồng. "Công ty đang tích cực phối hợp với đối tác và các cơ quan để đưa toàn bộ lao động về", ông Hiệp nói. Doanh nghiệp này có hơn 3.000 lao động làm việc tại Libya.
Theo một số doanh nghiệp có lao động tại Libya, khoảng 11h trưa nay có thêm một chuyến bay chở lao động về tới Nội Bài, nhưng hiện chưa xác định số lượng cũng như lao động của doanh nghiệp nào. Vì thế nhiều khả năng tất cả doanh nghiệp cùng lên sân bay đón người của mình.
Ông Đoàn Đại Thành, Giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona), doanh nghiệp đưa 2.200 lao động sang Libya cho biết, do tình hình tại Libya rất hỗn loạn, việc liên lạc với đối tác sử dụng lao động rất khó khăn nên chưa xác định chính xác khi nào lao động về.
"Đúng như chỉ đạo của Bộ, doanh nghiệp, đối tác sử dụng lao động và cơ quan chức năng đang làm mọi cách để đưa tất cả lao động ra khỏi Libya càng sớm càng tốt. Sau khi sang được các nước láng giềng của Libya, việc di chuyển về Việt Nam còn phải phụ thuộc nhiều vào phương tiện và nhiều yếu tố khác", ông Thành nói.
Trước cuộc biểu tình tại Libya, Việt Nam có khoảng 10.000 lao động đang làm việc tại các công trình xây dựng. Đến chiều 25-2, đã có hơn 4.500 người rời khỏi quốc gia Bắc Phi này sang các nước lân cận như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Hy Lạp, Tunisia, UAE... để từ đó đưa về nước.
Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Phó trưởng ban.
Theo VNE