20 năm đô thị hóa tỉnh Bình Dương - Những vấn đề thực tiễn

Cập nhật: 18-01-2016 | 08:53:30

Kỳ 1: Quy hoạch kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật trong quá trình đô thị hóa ở Bình Dương

Vừa qua, tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, Viện Quy hoạch và phát triển đô thị Bình Dương và trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “20 năm đô thị Bình Dương - Những vấn đề thực tiễn”. Một trong những vấn đề được các nhà khoa học và quản lý trong và ngoài nước quan tâm tại hội thảo là quy hoạch kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật trong quá trình đô thị hóa.

Vị thế của Bình Dương trong quy hoạch phát triển vùng

Bình Dương nằm trong vùng TP.Hồ Chí Minh, đồng thời trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vùng TP.Hồ Chí Minh có kinh tế phát triển rất năng động, có ý nghĩa quan trọng của quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa (ĐTH); là vùng có vai trò cạnh tranh với các vùng đô thị (ĐT) trong các nước ASEAN và các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hồ Chí Minh, hướng phát triển khu công nghiệp ở Bình Dương hoàn toàn phù hợp với định hướng quy hoạch Vùng TP.Hồ Chí Minh, là quá trình lan tỏa kinh tế từ vùng phía nam (TX.Dĩ An, TX.Thuận An) lên phía bắc của tỉnh. Hướng phát triển này đóng vai trò làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của khu vực phía bắc của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa; đồng thời xây dựng và hiện đại hóa ĐT các huyện phía bắc của tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bình Dương là tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp và ĐT, có mối liên kết rất mạnh với TP.Hồ Chí Minh. Trước hết là giao thông đối ngoại trong liên kết vùng bao gồm đường giao thông chính từ TP.Hồ Chí Minh qua Bình Dương với vùng Nam Tây nguyên, với nước bạn Campuchia và với Nam Trung bộ; về đường sông, kết nối với đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật có vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa ở Bình Dương. Trong ảnh: Trung tâm đô thị Thủ Dầu Một. Ảnh: XUÂN THI

Quy hoạch - tạo nền tảng phát triển đô thị

Ông Gael Desveaux, kiến trúc sư, Tổng Giám đốc Arep Việt Nam - đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch khẳng định, việc phát triển mô hình chùm ĐT của Bình Dương sẽ dựa trên nguyên tắc “một quy hoạch, 3 chiến lược phát triển kết nối với hành lang xanh” được cho là một sự lựa chọn hợp lý và mang tính khả thi. Theo đó, đô thị Bình Dương sẽ được phân chia làm 3 khu vực: Khu vực 1 là khu vực phía nam với mô hình đô thị nén, mật độ cao, gia tăng mối liên hệ với TP.Hồ Chí Minh bao gồm đô thị Thuận An, Dĩ An với các chức năng dịch vụ, công nghiệp, đầu mối giao thông vùng; khu vực 2 là khu vực trung tâm với mô hình đa chức năng, đa trung tâm, mật độ trung bình, trong đó đô thị mới Bình Dương đóng vai trò đô thị trung tâm; khu vực 3 là đô thị phía bắc với mô hình đô thị vệ tinh mật độ thấp.

Với mục tiêu phát triển ĐT một cách bền vững và đồng bộ, Bình Dương đã có các đồ án quy hoạch như: Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050...

Trên cơ sở Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 5-6- 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương; Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; hướng tuyến quy hoạch các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4…, Bình Dương đã kịp thời cập nhật, bổ sung điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn theo hướng đồng bộ, liên hoàn, kết nối trung tâm Thành phố mới Bình Dương với các trung tâm đô thị của tỉnh và các đầu mối giao thông của quốc gia và khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế- xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh nhà.

Không gian đô thị được mở rộng

Có thể thấy rõ, sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp đã tạo ra tiền đề cơ bản cho những chuyển biến về đô thị, tác động trực tiếp đến quá trình mở rộng không gian ĐT của Bình Dương. Từ giữa thập niên đầu của thế kỷ 21, Bình Dương chủ trương phân bố lại công nghiệp để giảm áp lực bùng nổ dân số và khắc phục tình trạng không đồng đều về tăng trưởng kinh tế giữa các địa phương. Xu hướng bố trí lại các khu công nghiệp lên các địa phương Bến Cát, Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo đã tạo điều kiện cho không gian ĐT được mở rộng. Các khu công nghiệp mới được hình thành đã trở thành những trung tâm động lực cho phát triển kinh tế của Bình Dương, đồng thời thu hút một lực lượng lớn lao động ngoài tỉnh. Thực tế này làm cho cơ cấu kinh tế vùng - lãnh thổ của Bình Dương bước đầu được cân bằng theo hướng công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, cùng với công nghiệp hóa, quá trình chuyển dịch toàn diện cơ cấu kinh tế thúc đẩy tăng trưởng GDP của tỉnh đã tạo ra nền tảng cơ sở vật chất thiết yếu cho quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa địa phương.

Sức lan tỏa của quá trình đô thị hóa của Bình Dương đã tác động đến cả khu vực nông thôn, thúc đẩy việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp như xây dựng các khu dân cư, khu dịch vụ và vui chơi giải trí… khiến người nông dân cũng phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, trên phạm vi toàn tỉnh, không gian công nghiệp - đô thị từng bước được hình thành theo hành lang bắc - nam giữa 3 trục giao thông gồm Đại lộ Bình Dương, ĐT747 và Mỹ Phước - Tân Vạn. Trong khi đó, không gian đô thị của tỉnh còn được mở rộng bằng việc xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới. Đặc biệt, Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương là một bước đột phá lớn trong việc quy hoạch và phát triển đô thị, góp phần không nhỏ vào việc mở rộng không gian đô thị của Bình Dương và hoàn thành mục tiêu “Xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại; trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo “20 năm đô thị Bình Dương - Những vấn đề thực tiễn”, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hội thảo là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá đúng thực trạng, cung cấp cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn; bảo đảm cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị của tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung đạt được yêu cầu đặt ra trong thời gian tới. Với ý nghĩa như trên, UBND tỉnh tin tưởng rằng hội thảo lần này mang đến cho các ngành chức năng tỉnh Bình Dương những kiến thức quan trọng về đô thị hóa, góp phần cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương có thêm cơ sở khoa học trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và quản lý đô thị ngày càng hiệu quả, bền vững; hướng tới mục tiêu xây dựng Bình Dương phát triển vững chắc, trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ X đã đề ra.

Kỳ 2: Đô thị hóa gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1236
Quay lên trên