Nhiều năm qua trong căn nhà nhỏ ở khu vực 1, phường An Bình, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ có người họa sĩ đã 71 tuổi vẫn miệt mài khắc họa chân dung Bác Hồ bằng cả tấm lòng thành kính. Ông bảo đó là cách tưởng nhớ, trả ơn Người…
Họa sĩ Đỗ Năm - người đã 20 năm tìm tòi vẽ nên những bức tranh độc đáo về Bác Hồ
Quê ở Nam Định, năm 20 tuổi ông Đỗ Năm xung phong đi bộ đội. Rời quân ngũ, thi vào Trường trung học Mỹ thuật, rồi về công tác ở Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Nghệ An. Năm 30 tuổi, học tiếp lên đại học. Tốt nghiệp ra trường, về công tác tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nam Định. Sau đó được chuyển công tác đến Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, rồi về làm ở Bảo tàng Cần Thơ. Năm 50 tuổi, ông xin nghỉ hưu sớm để toàn tâm toàn ý đeo đuổi nghệ thuật.
Ông kể mình sáng tác nhiều nhưng chủ đạo vẫn xoay quanh về Bác Hồ. Bởi ông muốn cho con cháu hiểu Bác đã sống hào hùng như thế nào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là bức phù điêu về Bác được khắc cao nhất với chiều cao 1,7m, chiều ngang 0,4m mô tả “Người cha già” của dân tộc đã lãnh đạo toàn dân vượt qua thác ghềnh để đến được bờ bến vinh quang. Hoặc là bức tranh Bác về thăm trận địa pháo, có khi là những bức Người đang đọc lời kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến…
Trước khi phác họa chân dung Người, ông tham khảo rất nhiều sách báo, tư liệu. Đêm về suy nghĩ rất lung: “Làm thế nào vẽ nên những bức tranh mà nhìn vào đó người xem có thể mường tượng ra cuộc đời vĩ đại của một lãnh tụ”. Và ông chọn dây cáp điện thoại làm chất liệu sáng tác.
Ông lý giải: “Mỗi sợi cáp có rất nhiều sợi nhỏ với chín màu khác nhau, ngoài độ bền chắc, chúng còn đáp ứng được tiêu chuẩn về màu sắc. Nếu cắt ghép, phối hợp hài hòa, bố trí theo quy luật đậm - nhạt, xa - gần thể hiện tối đa các hiệu ứng mong muốn sẽ tạo ra được những bức tranh sống động, lấp lánh sắc màu tươi sáng, quan trọng là chất liệu này mới mẻ, không đụng hàng...”.
Bức tranh bằng dây cáp điện thoại ông sáng tác đầu tiên là bức Bác Hồ nghe điện thoại được treo trân trọng tại Bưu điện Hậu Giang, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 9. Những sợi dây điện được cắt nhỏ dán chính xác đến từng li, nhìn từ xa không ai nghĩ là được ghép bằng dây cáp điện thoại mà cứ ngỡ tranh được vẽ sống động bằng bàn tay nghệ sĩ tài hoa.
Hơn 20 năm trong nghề, sáng tác khá nhiều bức tranh về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, ông tâm tình: “Bác là biểu tượng của cả dân tộc, tranh về Bác càng đòi hỏi ở mình sự nghiêm túc cao”.
THEO TUỔI TRẺ