3 năm gia nhập WTO: Chuyển biến mạnh về nhận thức và tư duy

Cập nhật: 25-05-2010 | 00:00:00

“Ba năm Việt Nam gia nhập WTO là quãng thời gian ngắn để có sự cải thiện đáng kể về năng lực cạnh tranh, tuy nhiên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tư duy về vấn đề này” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định.

 

Tác động tích cực đến phát triển kinh tế

 

Theo báo cáo do Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá trình bày tại Hội thảo về những tác động kinh tế - xã hội (KT-XH) sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO mới đây, đã có những diễn biến nhiều chiều về sự phát triển kinh tế trong thời gian qua.

 

 WTO đã đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội

 Cụ thể, năm 2007, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực từ bên trong cũng như bên ngoài nền kinh tế gắn liền với hội nhập kinh tế quốc tế. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2007 tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước đó, đạt 8,5%, mặc dù giá trên thế giới tăng cao gây áp lực lớn đến giá đầu vào của sản xuất trong nước.

 

Năm 2008, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra theo chiều trái ngược nhau. Giá nguyên liệu tăng cao tạo sức ép lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Kinh tế các nước bạn hàng chính bước vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại cũng là yếu tố ảnh hướng xấu đến xuất khẩu và FDI của Việt Nam, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

 

Thêm vào đó là sự lúng túng trong việc xử lý các bất ổn kinh tế vĩ mô cũng gây ảnh hưởng nhất định đến lạm phát và tăng trưởng. Mặt khác, giá dầu thô và giá lương thực- hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng như giá nhiều mặt hàng xuất khẩu khác tăng cao; thị trường xuất khẩu được mở rộng... đã tác động tích cực đến tăng trưởng.

 

Do những tác động tiêu cực ảnh hưởng lớn hơn, truyền dẫn nhanh hơn vào nền kinh tế nên tăng trưởng GDP đã chững lại chỉ đạt 6,2%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định nếu không có hội nhập kinh tế quốc tế, tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn.

 

Năm 2009, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP tiếp tục giảm, chỉ đạt 5,3%. Tuy đây là mức sụt giảm đáng kể từ năm 2009 đến nay nhưng vẫn được xem là tương đối cao so với mức tăng trưởng thấp hoặc âm của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

 

Cần cải thiện chất lượng tăng trưởng

 

Cũng theo báo cáo, gia nhập WTO đã gia tăng niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam; thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường thu hút FDI... Tuy nhiên bên cạnh đó đã bộc lộ những tồn đọng và yếu kém, đó là chất lượng tăng trưởng thấp; yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực; khả năng cạnh tranh yếu...

 

Chính vì vậy, theo kiến nghị của các chuyên gia, cần cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả đầu tư; cải thiện chất lượng FDI; củng cố ổn định hệ thống và thị trường tài chính; thực hiện chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô kịp thời, linh hoạt, hợp lý, đồng bộ....

 

Đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho thấy: 3 năm là quãng thời gian ngắn để có sự cải thiện đáng kể về năng lực cạnh tranh, tuy nhiên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tư duy về vấn đề này.

 

Cũng tại hội thảo, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có nhận định: dường như Việt Nam đang có sự lúng túng trong việc ứng phó với quá trình hội nhập trong bối cảnh khủng hoảng; chưa tận dụng hết cơ hội đã có... Ông cho rằng vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề quan trọng, cấp bách và lâu dài, nếu không làm tốt vấn đề này sẽ khó hội nhập thành công.

 

Tái cấu trúc nền kinh tế cũng là vấn đề đã được Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đưa ra tại hội thảo trên. Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng: sau ba năm hội nhập, chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi năng lực hội nhập của Việt Nam như thế nào? Bên cạnh đó là xem xét vấn đề về mô hình tăng trưởng; định dạng nền công nghiệp Việt Nam...

 

Nội dung của Hội thảo lần này sẽ được Ban tổ chức là Văn phòng Chính phủ tiếp thu và trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tới đây.

(THEO DÂN TRÍ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=575
Quay lên trên