3 nước cờ của Mỹ trên đất Afghanistan

Cập nhật: 24-06-2011 | 00:00:00

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ B.Obama thông báo chính thức về kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, nhiều kịch bản thú vị tiếp tục được đưa ra. Phản ứng của phần lớn nghị sĩ đảng Dân chủ đưa ra cho thấy, họ muốn đẩy tiến trình rút quân nhanh hơn kế hoạch ông Obama đưa ra với bước đầu rút 10.000 quân đến cuối năm nay, sau đó là gần 23.000 số quân còn lại đến tháng 9-2012.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch nói trên của Tổng thống Obama: “Tôi ủng hộ quyết định của tổng thống vì nó giúp cho các chỉ huy của chúng ta có đủ nguồn lực, thời gian và quan trọng nhất là sự linh hoạt để kết thúc thành công nhiệm vụ”.

 Lính Mỹ tham chiến tại khu vực Badula Qulp, tỉnh Helmand, phía Nam Afghanistan. 

Bên cạnh đó, ông Obama cho biết Mỹ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các đồng minh NATO và đối tác của nước này vào tháng 5-2012 ở Chicago để định hình giai đoạn chuyển tiếp mới ở Afghanistan. Ông cũng khẳng định, Mỹ sẽ yêu cầu Pakistan duy trì những cam kết của mình trong việc loại bỏ những nơi ẩn náu của phiến quân trên đất của họ.

Trong khi đó, bài viết đăng trên CS Monitor ra ngày 23-6 đã phân tích 3 khả năng rút quân của quân đội Mỹ mà Nhà Trắng đang ngầm tính toán trong ngắn và dài hạn dẫu cho tuyên bố rút quân đã được đưa ra.

Nhỏ

33.000 quân Mỹ được rút theo công bố trên chỉ chiếm một phần trong 100.000 quân được gửi sang quốc gia Trung Á này (sau khi bổ sung 30.000 quân cuối năm 2009). Các nhà hoạch định ngân sách Mỹ nói rằng, Mỹ đã chi khoảng 443 tỷ USD cho cuộc chiến ở Afghanistan. Theo ông Travis Sharp, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ, việc cắt giảm quân theo công bố của tổng thống sẽ mang lại một khoản tiết kiệm 7 tỷ USD vào năm tài chính 2012.

Theo báo cáo mà nhà phân tích Seth Jones thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển RAND nộp cho Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tháng 5 vừa qua, rút quân với số lượng ít nhất có thể chính là điều mà Lầu Năm Góc mong muốn. Điều này liên quan đến việc tiếp tục giữ mức tương đối mạnh mẽ của lực lượng Mỹ ở Afghanistan đến tận năm 2014, chứ không phải tháng 9-2012 như dự kiến.

Việc chỉ giảm 10.000 quân Mỹ đến cuối năm 2011 sẽ không tạo ra rủi ro đối với chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, việc rút quân với số lượng nhỏ sẽ không đạt được mục tiêu cho nỗ lực bàn giao lại cho chính quyền Afghanistan nhiệm vụ ổn định an ninh của nước này.

Vừa

Với quy trình rút quân ở mức trung bình, lượng quân rút đến cuối năm 2011 là 20.000 quân, đến cuối năm 2012 là 40.000 quân. Tướng David Petraeus, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Afghanistan, cho rằng, cách tiếp cận này sẽ hạn chế các mục tiêu Mỹ ở Afghanistan, tập trung vào việc hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan để săn lùng các trùm khủng bố. TS Frederick Kagan, một nhà phân tích quốc phòng, người tư vấn cho quân đội Mỹ và cũng là người từng vạch kế hoạch tăng quân trên chiến trường Iraq, cho rằng: “Rút toàn bộ quân quá sớm sẽ làm suy yếu những nỗ lực an ninh đầy triển vọng của địa phương tính đến thời điểm này”.

Lớn

Đây là hướng mà Phó Tổng thống Joseph Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ. Trước khi Tổng thống Obama tuyên bố quyết định chính thức, ông Biden ủng hộ kế hoạch rút liền hơn 30.000 quân ra ngay trong năm nay để đến năm 2013, 100.000 quân Mỹ có thể rời khỏi chiến trường Afghanistan. Ông Fontaine của Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng, có thể điều này sẽ dẫn đến những rủi ro, nhưng chiến lược như vậy sẽ làm giảm đáng kể gánh nặng tài chính Mỹ, mối quan tâm của nhiều nghị sĩ trước thềm cuộc bầu cử năm 2012.

Có những rủi ro, tuy nhiên, liên quan đến việc mất đi những lợi ích mà quân đội Mỹ đã chiến đấu khó khăn để đạt được, ông Fontaine cho rằng: “Quân đội đã rất nỗ lực nhưng đạt được tiến bộ ở phía Nam và Đông là điều vô cùng khó khăn. Điều quan trọng là cân nhắc liệu các chi phí cho quân đội tiêu tốn hàng tỷ USD có còn phù hợp với hoàn cảnh Mỹ đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế hay không?”.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên