3 triệu đàn ông Việt Nam sẽ khó lấy vợ

Cập nhật: 11-07-2010 | 00:00:00

Dự báo sẽ có khoảng 3 triệu đàn ông Việt Nam không thể lấy vợ sau 20 năm nữa. Đó là một thực trạng đáng báo động nếu cán cân lệch về giới tính khi sinh không được kịp thời điều chỉnh.

 

Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số Việt Nam năm 2009, mức độ chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh đang ở mức “báo động động đỏ”. Cán cân lệch về tỷ lệ giới tính khi sinh sẽ khiến khoảng 3 triệu đàn ông Việt Nam không có đàn bà để “lấy làm vợ” sau 20 năm nữa. Viễn cảnh về một Việt Nam phải “nhập khẩu” cô dâu đang hiện hữu trước mắt.

 

Cán cân lệch

 

Theo số liệu của cuộc tổng điều tra dân số năm 2009, tính đến ngày 1-4-2009, tổng dân số Việt Nam là 85,79 triệu người, trong đó dân số nam chiếm 49,5%. Trong 10 năm qua, dân số đã tăng thêm 9,47 triệu người khiến Việt Nam là nước đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất trên thế giới.

 Việt Nam đang “báo động đỏ” về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Kết quả cũng là minh chứng rõ ràng nhất về chỉ số giới tính ở Việt Nam đang tăng một cách bất thường. Nếu như năm 2000 tỷ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam là 106,2 bé trai/100 bé gái thì đến năm 2009 tỷ lệ bé trai sau khi sinh đã tăng lên 110,5 bé trai/100 bé gái.

 

Đáng báo động hơn khi tỷ lệ gia tăng giới tính khi sinh ở 6 vùng địa lý trên toàn quốc có tới 5 vùng tỷ số giới tính chênh lệch quá cao. Theo đó, lượng bé trai khi sinh đã vượt số lượng bé gái từ 20%-25% chỉ sau vòng 10 năm.

 

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính sau khi sinh bắt nguồn từ tâm lý còn nặng nề muốn có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng sau này của người Việt Nam.

 

Việc xác định rõ giới tính khi mang thai cũng khiến các cặp vợ chồng có khả năng thực hiện mọi cách thức khác nhau để được đứa con với giới tính như mình mong muốn. Thêm vào đó đời sống của người dân ngày càng cao, nhiều gia đình không ngại sinh con thứ ba, thậm chí còn chấp nhận chịu phạt để có được “thằng cu”.

 

Tiến sĩ Hồng cũng cảnh báo, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì mức độ chênh lệch giới tính như hiện tại sẽ có tác động nặng nề tới thế hệ nam thanh niên được sinh sau năm 2005 vì khi họ bước vào độ tuổi lập gia đình sau 20 năm nữa thì nhóm nam giới này sẽ dư thừa so với nhóm phụ nữ cùng lứa tuổi.

 

Đến năm 2025, mức dư thừa nam giới trưởng thành sẽ có thể nhiều hơn số phụ nữ tối thiểu là 10% và thậm chí còn cao hơn. Theo đó, dự báo sẽ có khoảng 3 triệu đàn ông Việt Nam không thể lấy vợ sau 20 năm nữa. Đó là một thực trạng đáng báo động nếu cán cân lệch về giới tính khi sinh không được kịp thời điều chỉnh.

 

Giảm chênh lệch giới tính: Trách nhiệm của cả cộng đồng

 

Theo Tổng cục DS-KHHG, nguy cơ Việt Nam đang đứng trước làn sóng bùng nổ dân số lần thứ 2 là hoàn toàn hiện hữu do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 14 - 49 tuổi tăng nhanh. Đến thời điểm này trên cả nước, cứ 2 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ mới có 1 người ra khỏi độ tuổi này.

 

Đối với các nước phát triển cơ cấu dân số luôn được ổn định ở tỷ lệ giới tính khi sinh, hiện tượng mất cân bằng giới tính xuất hiện do các đặc tính văn hóa - xã hội chi phối. Hai nước được coi là điển hình về mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh là Trung Quốc (120,5 nam/100 nữ năm 2004) và Ấn Độ (109,0 nam/100 nữ năm 2006) và Việt Nam cũng đang đứng trước áp lực việc gia tăng dân số đột biến và chênh lệch giới tính bất thường.

 

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ càng kéo dài, hậu quả tiêu cực đối với gia đình và xã hội càng nghiêm trọng.

 

Ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGD cho rằng, việc lựa chọn giới tính khi sinh là một hành vi mang lại lợi ích cá nhân. Chính điều đó đã tác động tiêu cực đến xã hội với những hệ lụy khó lường.

 

Để từng bước ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh rất cần tăng cường công tác tuyên truyền chia sẻ mọi thông tin với công chúng về mức độ, trầm trọng của hành vi lựa chọn giới tính, nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân.

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, công tác DS-KHHGĐ, trong đó có việc cân bằng giới tính mới thực sự hiểu quả ổn định, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống. Trong vài thập kỷ tới nếu Việt Nam tập trung tối đa các nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ, với sự chung tay của toàn xã hội ngay từ bây giờ thì sẽ có thể từng bước khống chế, giảm bớt tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

(THEO ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên