32 năm tìm đứa con bị đánh cắp lúc lọt lòng

Cập nhật: 24-02-2010 | 00:00:00

 

Cuối cùng cuộc tìm kiếm ròng rã 32 năm trời của ông Abel Madariaga cũng kết thúc. Ông đã tìm thấy người con trai bị đánh cắp ngay từ lúc mới sinh ra. 32 năm trôi qua là 32 năm ông Madariaga (người Argentine) sống trong ngờ vực và cô độc. Ông chưa bao giờ thôi tìm kiếm. Ông “lùng sục” mọi gương mặt thoảng qua trên đường phố với hy vọng sẽ tìm được manh mối của con trai mình. "Tôi chưa bao giờ nguôi ý nghĩ sẽ tìm được con”, người đàn ông 59 tuổi siết chặt tay con trai trong buổi họp báo hôm 23-2.

 

Cha con ông Mandariaga tay trong tay trong cuộc họp báo ngày 23-2

Còn chàng trai 32 tuổi vẫn chưa quen với cái tên mà anh chỉ mới được biết vào tuần trước - Francisco Madariaga Quintela. “Lần đầu tiên tôi biết mình là ai”, anh ngậm ngùi.

 

Theo tổ chức nhân quyền Plaza de Mayo, từ năm 1976 đến năm 1983, chính quyền độc tài ở Argentine đã bắt cóc và giết khoảng 30.000 người chống đối, trong đó có nhiều phụ nữ đang mang thai. Khoảng 400 đứa trẻ đã bị đánh cắp ngay khi mới sinh ra trong những trường hợp như thế.

 

Ông Madariaga cùng vợ - bà Silvia Quintela – là thành viên của tổ chức cánh tả Montoneros. Tổ chức này lúc đó bị đội hành quyết của chính phủ đưa vào tầm ngắm. Lần cuối cùng ông Madariaga nhìn thấy vợ mình là khi bà bị quân đội chính phủ mặc thường phục lôi đi ngày 17-1-1977 tại một nhà ga xe lửa ở Buenos Aires.

 

Khi Argentine khôi phục nền dân chủ, ông Madariaga đã vận động chính phủ thành lập hệ thống dữ liệu ADN để tìm kiếm những đứa trẻ bị bắt cóc năm xưa.

 

Ngược dòng thời gian, bà Quintela hạ sinh một bé trai vào tháng 7-1977 khi đang bị giam cầm tại Campo de Mayo - một trong những trại tra tấn lớn và khét tiếng nhất Argentine đặt ở thủ đô Buenos Aires. Những bạn tù sống sót kể lại rằng đứa bé ấy bị bắt đi ngay ngày hôm sau, rồi người mẹ cũng biến mất không lâu sau đó.

 

Một sĩ quan tình báo tên Victor Alejandro đã mang đứa bé về nhà và đặt tên nó là Alejandro Ramiro Gallo. Cho dù  Gallo không bao giờ tiết lộ đứa bé là con nuôi nhưng bản thân Francisco Madariaga luôn cảm thấy lạc lõng trong ngôi nhà ấy và thấy mình không có chút gì giống với các anh chị.

 

Gallo là một người đàn ông hung hãn nên vợ chồng ông ta li dị. Khi gia đình Gallo “tan đàn xẻ nghé”, Francisco Madariaga đã bỏ nhà đi lang thang khắp châu Âu làm nghệ sỹ tung hứng chuyên nghiệp.

 

Năm 1994, Gallo bị buộc tội giết chết một cặp vợ chồng cùng con họ trong một vụ cướp. 10 năm tù là cái giá mà ông ta phải trả. Trong khi đó, mối ngờ vực trong lòng chàng trai Francisco Madariaga không ngừng tăng lên.

 

Cuối cùng, anh quay về và chất vấn người mẹ nuôi. “Bà ấy suy sụp và kể hết cho tôi sự thật. Tôi không thể trách cứ gì bà. Bà là nạn nhân trong một gia đình có quá nhiều bạo lực, cả về thể xác lẫn tinh thần”, Francisco Mandariaga hồi tưởng.

 

Đến ngày 3-2, được bạn bè khuyến khích, Francisco đi xét nghiệp ADN tại tổ chức nhân quyền Plaza de Mayo – nơi cha ruột anh là thư ký. Tuần trước, kết quả ADN đã giúp hai cha con nhà Mandariaga trùng phùng sau 32 năm xa cách. Ngày 19-2, hai cha con gặp nhau. Cũng trong ngày đó, Gallo bị bắt vì nghi ngờ nhận con nuôi bất hợp pháp.

 

"Khi nó bước qua cánh cửa tối 19-2, chúng tôi nhận ra nhau tức thì và ôm chầm lấy nhau”, ông Mandariaga cha xúc động kể.

 

Nhiều năm qua, tổ chức của ông Mandariaga đã tìm thấy 100 đứa trẻ bị bắt cóc trong giai đoạn tối tăm của Argentine. Bản thân ông đã nhiều lần tổ chức họp báo cho người thân gặp gỡ. Và lần này, sau 32 năm chờ đợi, ông đã có thể giới thiệu với toàn thế giới người con trai của chính mình.

 

"Quá nhiều lần tôi tự hỏi tôi đang sống vì cái quái gì đây. Nhưng tôi biết, tôi sống để chờ đợi những phút giây hạnh phúc này. Khi lần đầu tiên ôm lấy con, tôi có cảm giác tâm hồn mình được lành lặn trở lại”, ông nói.

 

Còn đối với Francisco Madariaga, “tìm lại chính mình là điều tốt đẹp nhất trên đời” mà anh từng biết đến.

 

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên