350.000 tỉ đồng cho hệ thống đường cao tốc Việt Nam

Cập nhật: 02-03-2010 | 00:00:00

Số vốn đầu tư khổng lồ này để xây dựng hệ thống đường cao tốc Việt Nam theo quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó hai tuyến cao tốc Bắc - Nam mở ra nhiều hứa hẹn phát triển.

 

Dưới cái nhìn của những người làm kinh tế, đường cao tốc rút ngắn thời gian lưu thông cũng chính là giúp quay nhanh đồng vốn làm tăng lợi nhuận.

 

Nhiều đường cao tốc mới

 

Đường cao tốc đầu tiên 100% “made in VN”: TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM - Long An - Tiền Giang) thông xe tạm vào ngày 3-2-2010 được coi là một cột mốc lịch sử. Chỉ sau ba ngày đưa đường cao tốc này vào sử dụng, quốc lộ 1A đã thông thoáng vì có đến 80% lượng ôtô trước đây lưu thông trên quốc lộ 1A đã chuyển qua đi đường cao tốc.

 

Hiện nay, mỗi ngày có 40.000-50.000 ôtô lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, chiếm khoảng 70% số xe trước đây lưu thông trên quốc lộ 1A

Trong năm 2009 có rất nhiều dự án xây dựng đường cao tốc được khởi công. Cụ thể, ngày 3-10-2009 khởi công xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngày 24-11-2009, khởi công xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Theo Tổng công ty Đường cao tốc VN, dự kiến năm 2010 sẽ khởi công đường cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai). Trước đó, đường cao tốc Nội Bài (Hà Nội) - Lào Cai dài 264km được khởi công năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012.

 

Ngày 29-11-2009 khởi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang), nối đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đưa tuyến đường cao tốc TP.HCM về đến Mỹ Thuận dài gần 94km. Trong tương lai, tuyến đường cao tốc này sẽ được nối đến Cần Thơ, dài 129km. Tuyến đường cao tốc này là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.941km.

 

Tương tự, việc khởi công tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhằm rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM đến sân bay quốc tế mới sẽ được xây dựng ở Long Thành khi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải. Trong tương lai không xa, tuyến đường cao tốc này sẽ được kết nối từ Dầu Giây đến TP Đà Lạt, dài 209km. Lúc đó, người dân từ TP.HCM đi xe lên Đà Lạt không quá ba giờ, trong khi hiện nay phải mất 7-8 giờ.

 

Trong năm 2010, các cơ quan chức năng dự kiến khởi công xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài thu hút khách du lịch đến Vũng Tàu, tuyến đường này còn giúp vận chuyển nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu từ các cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải và các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thúc đẩy phát triển mạnh cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Mạng lưới đường cao tốc cũng được kết nối với các nước lân cận như Campuchia và Trung Quốc. Trong đó có một tuyến đường cao tốc nối đến Campuchia sẽ được xây dựng từ TP.HCM đến Mộc Bài (Tây Ninh) dài 55km. Có ba tuyến đường cao tốc nối đến Trung Quốc gồm: tuyến từ Nội Bài (Hà Nội) - Hạ Long - Móng Cái dài 295km, Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai dài 264km và Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh dài 130km. Việc mở các tuyến cao tốc đến các nước lân cận không những đẩy mạnh phát triển du lịch mà còn tạo giao thương hàng hóa giữa các nước được phát triển mạnh.

 

Cần chính sách về vốn và giải phóng mặt bằng

 

Theo ông Phan Hồng Quang - tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (gọi tắt là BEDC), để xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vốn đầu tư 19.000 tỉ đồng, Chính phủ đã chấp thuận thành lập doanh nghiệp BEDC, trong đó gồm tám đơn vị là những tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn có năng lực và kinh nghiệm trong triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình giao thông đường bộ, có khả năng thu xếp tài chính cho dự án.

 

Toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng dự án theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) là vốn tự có của BEDC và vốn vay thương mại do Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) là đầu mối thu xếp nguồn vốn (không có ngân sách cấp phát) và dự kiến hoàn vốn sau 34 năm khai thác thu phí.

 

Ông Trần Xuân Sanh, tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), cho biết hiện VEC đã đầu tư hơn 350km đường cao tốc thuộc ba dự án: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai với tổng vốn 50.000 tỉ đồng. Toàn bộ vốn là tiền đi vay chứ không có ngân sách cấp phát.

 

Theo ông Sanh, ở các nước, trong dự án đường bộ cao tốc vốn nhà nước chiếm từ 50% trở lên, còn lại doanh nghiệp huy động. Tiền của nhà nước đưa vào nhằm rút ngắn thời gian hoàn vốn, khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án.

 

Việc hoàn vốn cho đầu tư đường cao tốc ở VN chủ yếu từ thu phí. Theo tính toán, nếu lưu lượng xe hoạt động trên đường cao tốc đủ từ 100.000 xe/ngày đêm thì có thể hoàn vốn một tuyến đường trong 30 năm. Nhưng hiện nay tuyến có lưu lượng đông nhất của chúng ta chỉ khoảng 50.000 xe/ngày đêm trở lại. Vì vậy hoàn vốn qua thu phí hết sức khó khăn. Do đó, nhà đầu tư mong Chính phủ hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng (GPMB, chiếm 15-20% tổng vốn đầu tư).

 

Ngoài việc tự huy động nguồn vốn, hiện nay các dự án đường cao tốc đều gặp khó khăn về GPMB. Ở nước ngoài, khi phê duyệt dự án họ xúc tiến GPMB và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Toàn bộ chi phí GPMB do ngân sách nhà nước đảm nhận và chuyển giao cho các địa phương quản lý, thực hiện. Ở VN, do GPMB vướng mắc nên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương gần chục năm mới làm được hơn 30km.

 

Ông Sanh cho biết hiện nay VEC đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ GPMB bằng cách cấp ngân sách qua các địa phương để địa phương thực hiện GPMB trước khi khởi công dự án...

 

Theo Tuổi Trẻ

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên