4 mặt hàng bình ổn giá... tăng giá

Cập nhật: 16-04-2010 | 00:00:00

  

Giá thép xây dựng đã tăng quá 13%

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra tại 17 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh: thép xây dựng, phân bón hóa học, khí hóa lỏng, đường ăn. Thời kỳ kiểm tra lần này tập trung vào các tháng cuối năm 2009, các tháng đầu năm 2010 với các nội dung như đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; việc tăng, giảm giá, nguyên nhân tăng giảm giá; hạch toán một số các khoản chi phí có ảnh hưởng lớn đến giá thành, giá bán sản phẩm.

 

Thép tăng giá trên 13%

 

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính, trong năm 2009, giá bán các sản phẩm thép xây dựng của các doanh nghiệp trên thị trường tương đối ổn định, thay đổi không nhiều và điều chỉnh theo sự biến động của giá phôi, giá thép phế liệu trên thế giới.

 

Còn trong quý I-2010, giá thép xây dựng trên thị trường nói chung và của các doanh nghiệp đều đang có xu hướng biến động và tăng giá mạnh từ đầu năm đến giữa tháng 3. Mức tăng giá từ đầu năm đến ngày 23-3-2010 là trên 13% và đã tăng cao hơn gần gấp đôi mức tăng giá bình quân của cả năm 2009. Từ ngày 15-3 đến 23-3-2010 (thời điểm đang tiến hành kiểm tra) hầu hết các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội thép Việt Nam đều tăng giá bán bình quân từ 300 - 1.300 đồng/kg.

 

Phân bón tăng từ 4,5% - 16,1%

 

Trong 9 tháng năm 2009 giá bán phân bón Urê tương đối ổn định, các công ty điều chỉnh giá từ 6 đến 15 lần. Trong quý I-2010, các doanh nghiệp có từ 1 đến 4 lần tăng giá đối với phân bón Urê với mức tăng giá từ 4,5 % đến 16,1%. Phân bón NPK thường và hạt, phân bón tổng hợp khác: giá các loại phân bón trên tăng từ 100 đ/kg đến 200 đ/kg (tỷ lệ từ 2% đến 5% ) so với cuối năm 2009. Giá phân Urê tăng cao do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản do giá nguyên liệu chính tăng.

 

Bộ Tài chính cho hay: Vừa qua có nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón đều có lãi, quyết toán năm 2009 như: Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - Công ty cổ phần là 1.519 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là 519,6 tỷ đồng; Công ty Phân bón Bình Điền là 35,5 tỷ đồng; Công ty Phân bón Miền Nam là 51,5 tỷ đồng; Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao là 99,1 tỷ đồng.

 

Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Công ty cổ phần là 22%; Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là 45%, đây cũng là cơ sở để xem xét, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất trong nước giữ ổn định, hoặc giảm giá bán trong năm 2010, nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho nông dân.

 

Khí hóa lỏng tăng gần 5%

 

Trong 9 tháng đầu năm 2009, các công ty điều chỉnh giá từ 8 đến 12 lần. Trong quý IV-2009, các công ty tăng giá từ 3 đến 4 lần. Trong quý I-2010, mỗi công ty tăng giá 2 lần với mức tăng giá bình quân so với giá cuối năm 2009 là 3% đến 4,59%.

 

Xét về nguyên nhân tăng, giảm giá, Bộ Tài chính cho biết: Giá nhập khẩu gas tăng (gas nhập khẩu chiếm 70% nhu cầu tiêu dùng), các công ty kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh tăng, giảm giá bán gas theo sự tăng, giảm giá nhập khẩu gas. Bên cạnh đó, giá nhập khẩu còn phụ thuộc vào sự biến động của tỷ giá ngoại tệ (USD).

 

Đường tăng tới 11% trong quý IV-2009

 

Trong 9 tháng đầu năm 2009: Từ tháng 3-2009, các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá nhiều lần, giá bán bình quân tháng sau so với tháng liền trước tăng 2% - 16%; mức giá tăng cao nhất là giá bán tại thời điểm tháng 9-2009 so với mức giá tháng 1-2009 tăng 48% - 66%. Trong quý IV-2009, giá bán đường tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng; giá bán bình quân tháng sau so với tháng liền trước tăng từ 1% - 11%.

 

Chi phí nguyên liệu chính (mía cây) chiếm tỷ trọng từ 82% trở lên trong giá thành, giá mía thu mua tăng góp phần tăng giá thành sản xuất. Các doanh nghiệp báo cáo điều chỉnh tăng giá dựa vào giá đường thị trường thế giới và nhu cầu thị trường trong nước.

Cũng theo Bộ Tài chính, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của các doanh nghiệp đường đạt khoảng từ 7,6% đến 25,4%. Đây cũng là cơ sở để xem xét, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước giữ ổn định, hoặc giảm giá bán trong năm 2010.

 

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá tác động, hiệu quả của việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường để thực hiện bình ổn giá đường thời gian vừa qua; cân đối cung cầu đường ăn trong nước để kiểm soát chặt việc nhập khẩu đường tránh tác động không có lợi cho sản xuất mía đường trong nước.

 

Với những vi phạm về đăng ký, kê khai, niêm yết giá của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành các quyết dịnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đối với 11 doanh nghiệp số tiền là 80,5 triệu đồng.

(THEO DÂN TRÍ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=362
Quay lên trên